Wednesday, December 27, 2017

Vụ Sabeco và thế lực kinh tế của người Hoa tại Đông Nam Á


Công ty bia lớn của Việt Nam bị tư bản Thái mua có nghĩa là Thái Lan sẽ nắm một phần kinh tế Việt Nam chăng? Nếu nhìn kỹ hơn thì nhà tư bản Thái Lan đó là gốc người Hoa và kinh tế Thái cũng do phần lớn người Thái gốc Hoa nắm. Chẳng những thế, người gốc Hoa cũng nắm phần quan trọng trong nền kinh tế ở Indonesia, Mã Lai . Cùng với sự bành trướng của Trung Quốc, cho các nước vay tiền, đầu tư vào các nước thì người Hoa đang nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế tại Đông Nam Á và Á Châu nói chung. Người Việt làm thế nào chống lại làn sóng bành trướng kinh tế này của Trung Hoa?


Tại Thái Lan, tư bản trong nước nằm trong tay người gốc Hoa, sau này Nhật đầu tư rất nhiều vào Thái Lan. Khi Trung Quốc bắt đầu bành trướng kinh tế ra các nước thì đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan gia tăng nhanh rồi đây có thể sẽ vượt qua Nhật. Nhìn về mặt công ăn việc làm thì sự đầu tư của các nước vào Thái Lan tạo ra công ăn việc làm cho dân Thái và dân Thái có mức thu nhập bình quân cao. Nhìn về ai nắm nền kinh tế thì thấy vai trò của người Hoa rất quan trọng trong nền kinh tế tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á.

Vấn đề sức mạnh kinh tế của người Hoa tại miền Nam trước 75 đã có người nên lên. Sau 75, người CS cho rằng chính sách kinh tế kiểu Xô Viết sẽ tiêu diệt ảnh hưởng kinh tế của người Hoa tại Việt Nam. Các bài báo của chế độ CSVN chê kinh tế miền Nam là phồn vinh giả tạo và kinh tế đó bị người Hoa chi phối. Các chiến dịch đánh tư sản quả thật đã tiêu diệt thế lực kinh tế của người Hoa. Nhưng rồi chính sách kinh tế kiểu Xô Viết lộ ra nhược điểm yếu kém thì Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường. Khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường thì công ty quốc doanh ngày càng thụt lùi và đến nay thì công ty quốc doanh bị mua bởi doanh nhân ngoại quốc trong đó có các tư bản gốc Hoa. 

Trong việc bán cổ phiếu Sabeco, một doanh nhân Việt lúc đầu cũng tham gia nhưng chỉ mua có 20 ngàn cổ phần, là mức tối thiểu phải mua để tham gia đấu giá, so với hơn 300 triệu cổ phần bán cho công ty Thái. Người Việt chỉ tham gia cho có lệ vì phải có ít nhất là hai người tham gia đấu giá thì việc đấu giá mới được tiến hành.  Công ty Thái ThaiBev có nhiều vốn hơn nên đã mua cổ phiếu với giá cao, doanh nhân Việt xem ra đứng ngoài cuộc đấu giá. Trong cuộc chiến tranh về kinh tế này, quân Việt đã thua, quân Thái đã thắng. Quân Việt thua vì ít quân quá, quân Thái đông hơn. Chính sách kềm giữ tư nhân kinh doanh của đảng CSVN trong hơn 25 năm qua có trách nhiệm phần nào trong việc tư bản Việt Nam yếu kém và sự bành trướng của tư bản ngoại quốc ngày hôm nay. Khi Việt Nam thương thuyết TPP đến giai đoạn chót thì thấy thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký lệnh xóa bỏ 27 điều giới hạn cho tư nhân kinh doanh. Đó là vì TPP đòi hỏi phải có sân chơi bình đăng trong nền kinh tế của các nước. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng thì chủ trương dùng các tổng công ty, các tập đoàn làm quả đấm thép cho nền kinh tế, làm con tàu đưa kinh tế Việt Nam ra biển lớn nên đã duy trì rất nhiều giới hạn bó buộc tư nhân kinh doanh. Chính sách kinh tế chỉ nhắm vào việc phục cho lợi ích của đảng CS, để duy trì quyền lực cho đảng CS đã làm hại cho nền kinh tế quốc gia.

Biện pháp để nhà nước nắm kinh tế đã không thành công. Rốt cuộc để cạnh tranh với thế lực kinh tế của người ngoại quốc, chỉ có cách để cho người Việt được tư do kinh doanh. Để cho dân tự do kinh doanh, có sân chơi bình đẳng cho mọi người thì mới có cơ hội cho những người có tài năng "tay trắng làm nên" xuất đầu lộ diện tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế. Để cho có sân chơi bình đẳng thì người Hoa cũng có thể sẽ chiếm lợi thế vì thế người Việt cần có những người xuất sắc về kinh doanh, những Quang Trung, Lý Thương Kiệt trong kinh doanh. Người Việt cũng nên quan sát xem vì sao người Hoa thành công về kinh doanh tại các nước mà họ di cư đến để mà bắt chước.

Minh Đức


No comments:

Post a Comment