Friday, December 2, 2016

Fidel Castro và thế hệ chống Mỹ đang tàn lụi

Fidel Castro, một lãnh tụ của thế hệ chống Mỹ vừa nằm xuống. Thế hệ này chống Mỹ vì nghĩ rằng Mỹ đi đến nước nào đầu tư buôn bán thì vơ vét làm cho nước đó bị nghèo. Ông Đỗ Mười lúc làm Tổng Bí Thư cũng nói chơi với tư bản thì bị nghèo.

Chính vì suy nghĩ như thế mà khi lên cầm quyền năm 1959, ông Fidel Castro dùng những người Cuba có tư tưởng Mác xít trong chính quyền và sau đó tịch thu tài sản của công ty Mỹ, không cho Mỹ và các nước tư bản đầu tư vào Cuba. Sau chuyến ông Fidel Castro viếng thăm Mỹ năm 1960, có lẽ thất vọng vì cách đón tiếp của chính phủ Mỹ, khi trở về vài tháng sau ông Fidel Castro cho người tìm gặp đại diện KGB của Liên Xô ở thủ đô một nước Nam Mỹ để liên lạc rồi ngả theo phe Liên Xô.

Sau khi Trung Quốc và Việt Nam đổi mới kinh tế mở cửa cho các công ty các nước tư bản vào đầu tư thì kinh tế Trung Quốc và Việt Nam phát triển nhanh hơn, đời sống người dân khá hơn. Những người nghĩ rằng tư bản vào vơ vét làm nước nghèo cho rằng tư bản đầu tư vào thì phải có lợi cho họ, khi họ đem tiền lời về nước là vơ vét tiền của nước đó làm cho nước đó bị nghèo. Nhưng số tiền đầu tư vào, cộng với kỹ thuật mà tư bản có, cộng với nhân công bản xứ thì sẽ thành các món hàng có giá trị gấp nhiều lần số tiền đầu tư vào. Vì giá trị của ba yếu tố tiền vốn, kỹ thuật, nhân công được gia tăng nên tư bản vẫn có tiền để trả lương nhân công, chi phí cho sản xuất, còn lại là tiền lời đem về nước. Như thế sự đầu tư của tư bản đem lại cái lợi cho chính nước đó là người dân có công ăn việc làm, người bán nguyên vật liệu cho hãng sản xuất cũng có tiền, còn hãng đó cũng có lời sau khi đã trả hết các chi phí. Tư bản đầu tư vào làm lợi cho cả tư bản lẫn người dân nước đó không phải là chỉ vào vơ vét tiền làm cho nước đó nghèo như ông Fidel Castro và thế hệ chống Mỹ nghĩ.

Trong hàng chục năm thời Chiến Tranh Lạnh, các bài báo tuyên truyền của phe Liên Xô đem các trường hợp các nước Nam Mỹ nghèo nàn để làm thí dụ cho lý thuyết nói rằng cho tư bản vào đầu tư sẽ bị nghèo. Nhưng các bài báo đó không nhắc đến các trường hợp Nam Hàn, Singapore, Tây Ban Nha đã có nền kinh tế phát triển nhanh nhờ tư bản đầu tư vào.

Nếu xem xét kỹ trường hợp từng nước thì chúng ta có thể thấy giàu hay nghèo cũng là do chính sách phát triển kinh tế của từng nước. Nghĩa là cũng do người của chính nước đó chứ không phải do tư bản ngoại quốc. Phần lời thì tư bản đem về nước còn số tiền mà nước đó có lợi do tư bản đầu tư vào được dùng như thế nào là tùy từng nước. Nghĩa là tùy theo chính sách tái phân phối lợi tức của nước đó. Nếu những người công nhân và công ty có lợi khi làm việc với tư bản nước ngoài đem tiền đóng thuế mà chính phủ nước đó biết đem tiền thuế do dân đóng mà xây nhà thương, trường học, chú trọng vào giáo dục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước thì nước đó hưởng lợi do tư bản ngoại quốc đầu tư vào. Nếu chính quyền nước đó có những kẻ ăn cắp những món tiền khổng lồ từ công quĩ, đem tiền dấu ở các ngân hàng ngoại quốc thì cái lợi do tư bản ngoại quốc đầu tư vào không đến được với người dân và nền kinh tế quốc gia nói chung. Một trong những sai lầm của một số quốc gia bên phía tư bản vào thập niên 1960, 1970 là đã dùng công quĩ để xây các công trình to lớn, đắt tiền, để người ngoài nhìn vào thấy nước mình là hiện đại mà thật sự các công trình này không sinh ra lợi cho nền kinh tế thì chỉ phung phí nguồn lợi vốn ít ỏi của các quốc gia còn nghèo. Nếu chính quyền lại dùng tiên đi vay của tổ chức quốc tế để xây các công trình vô bổ thì sẽ không có tiền để trả nợ.

Ông Fidel Castro cũng có thể nhận thấy là niềm tin rằng cho tư bản vào đầu tư thì sẽ bị nghèo không đúng khi từ năm 1984 Trung Quốc đổi mới kinh tế cho tư bản vào đầu tư và trở nên phát triển nhanh. Nhưng chế độ của ông cũng vẫn không đổi mới theo mà chỉ đem thành tích về y tế, xóa nạn mù chữ ra khoe để đề cao sự ưu việt của đường lối xã hội chủ nghĩa. Nếu cho ngoại quốc vào đầu tư thì chính phủ Cuba sẽ có nhiều tiền hơn trong ngân sách chẳng lẽ lại không tiếp tục được chính sách y tế tốt đẹp của mình và tiếp tục xóa nạn mù chữ?

Minh Đức

No comments:

Post a Comment