Thursday, October 20, 2016

Biển Đông và việc tuân thủ luật pháp quốc tế

Các viên chức Việt Nam nhiều lần tuyên bố lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông rằng: "Việt Nam chủ trương các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định; bảo đảm tự do hàng hải và hàng không”. Làm thế nào để luật pháp quốc tế được tuân thủ ở Biển Đông?

Muốn luật pháp quốc tế được tuân thủ thì phải có hành động. Một trong những hành động của các nước có quyền lợi bị Trung Quốc xâm phạm là Phillipines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế ở Le Harve và đã thắng kiện. 

Đó là thời tổng thống trước của Phillipines. Ông tổng thống mới lên, Rodrigo Duterte, lại tuyên bố là Phillipines không tiếp tục tuần duyên chung với Mỹ, Phillipines có thể mua vũ khí của Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc đầu tư vào Phillpines. Điều này làm một số thượng nghị sĩ của Phillipines e ngại rằng ông Duterte sẽ bán nước, bỏ qua kết quả vụ kiện để đổi lại lấy một số lợi lộc từ Trung Quốc.

Người Việt Nam khi thấy Mỹ đem hàng không mẫu hạm đến Biển Đông, lại đem tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý sát vào đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng đã hy vọng rằng hải quân Mỹ sẽ đánh cho Trung Quốc tan tành. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Thời gian cho thấy chính sách của tổng thống Mỹ Barack Obama không phải là dùng vũ lực để giải quyết ở Biển Đông mà muốn các nước Á Châu dùng luật pháp để giải quyết. Hải quân Mỹ không có các hành vi dồn Trung Quốc đến mức Trung Quốc phải đánh nhau với Mỹ.  Các nước Á Châu yếu đánh nhau với Trung Quốc thì đánh không lại mà muốn Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế phải làm gì?

Trong một số cuộc họp thượng đỉnh của các tổ chức APEC và ASEAN, Mỹ tìm cách đưa vào tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông thì có một số nước hội viên lảng ra, không muốn cho lời lên án đó trong các bản thông cáo chung.

Cách hành xử mà tổng thống Mỹ Obama muốn các nước ở Đông Nam Á có có lẽ giống như là các nước Liên Âu làm khi Nga sát nhập Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Các nước Liên Âu đồng loạt lên án Nga vi phạm luật pháp quốc tế và cấm vận kinh tế với Nga.

Mặc dù cơ quan truyền thông của Nga dùng lối xuyên tạc mô tả NATO là tiến sát lại Nga khiến cho có người dân Nga lo ngại là chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra giữa Mỹ và Nga nhưng thật ra các nước NATO không hề có ý định tấn công Nga. Các nước NATO không tấn công Nga bằng vũ lực khi Nga vi phạm luật pháp quốc tế nhưng có phản ứng bằng cách giảm bớt các hoạt động kinh tế với Nga. Đó là cách làm cho luật pháp quốc tế phải được tuân thủ.

Cách cấm vận này bị một số người chỉ trích là không hữu hiệu, là kết quả sẽ rất lâu. Nhưng ít ra đó cũng là phản ứng theo đường lối không dùng vũ lực, nghĩa là không phải là ai khỏe thì được mà ai phù hợp với luật pháp thì được.

Việc Liên Âu dùng áp lực kinh tế với Nga có thành công hay không thì chưa biết. Mặc dù giá cả sinh hoạt tại Nga gia tăng, các hãng dầu của Nga không thể vay tiền để thăm dò và đào thêm giếng dầu mới, ngân sách của Nga rất eo hẹp trong việc nghiên cứu để phát triển vũ khí mới nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không chịu nhả Crimea ra.

Như vậy việc làm cho luật pháp quốc tế được tôn trọng không qua con đường dùng vũ lực tuy không có sự thiệt hại gây ra bởi chiến tranh thì cũng có thiệt hại gây ra bởi kinh tế cho cả hai bên. 

Tại Đông Nam Á, nếu các nước ASEAN muốn luật pháp quốc tế được tôn trọng tại Biển Đông thì cùng nên có hành động như các nước Liên Âu, nghĩa là tẩy chay hay hạn chế bớt hoạt động kinh tế với Trung Quốc. Một nước Đông Nam Á thì nhỏ và yếu so với Trung Quốc nhưng nhiều quốc gia hợp lại mà tẩy chay làm ăn với Trung Quốc thì cũng làm cho Trung Quốc bị thiệt hại đáng kể về kinh tế, với cái giá là các quốc gia phản đối Trung Quốc cũng bị thiệt hại về kinh tế.

Có lẽ đó là điều ông Obama mong muốn các nước Á Châu làm với Trung Quốc khi ông tuyên bố chủ trương dùng luật pháp để giải quyết vấn đề Biển Đông. Dùng luật pháp để giải quyết xung đột giữa các nước cũng là chính sách chung của ông Obama cho đường lối ngoại giao của Mỹ.

Ở trên Youtube có một đoạn video chiếu trong một cuộc hội thảo nào đó khi ông Obama tuyên bố về Biển Đông thì có một cô Việt Nam đứng lên hỏi trước việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì Mỹ có phản ứng gì? Ông Obama trả lời là ông mong muốn các nước trong vùng nên tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước có hành xử theo luật pháp thì kinh tế Á Châu mới được thịnh vượng. Nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế thì kinh tế Á Châu sẽ bớt thịnh vượng đi.

Câu trả lời đó có lẽ làm cô Việt Nam kia thất vọng và nhiều người Việt khác cũng thất vọng. Thất vọng vì Mỹ đã không đánh Trung Quốc khi Trung Quốc tỏ ra ngang ngược ở Biển Đông. Người Việt thất vọng vì mặc dù Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng các nước ASEAN vẫn làm ăn buôn bán với Trung Quốc và ảnh hưởng về kinh tế lẫn chính trị của Trung Quốc xem ra còn tiếp tục lan rộng hơn ở Á Châu. Chuyện kinh tế Á Châu bớt thịnh vượng đi có lẽ chỉ có thể xảy ra khi các nước ASEAN hành động giống như các nước Liên Âu, nghĩa là đồng lòng lên án Trung Quốc và tẩy chay các hoạt động kinh tế với Trung Quốc.  Nhưng việc đó đã không xảy ra. Và ông Obama có lẽ cũng thất vọng về thái độ của các nước ASEAN. Người Việt thất vọng khi nghe ông Obama trả lời vì đã biết trước cách hành xử của các nước ASEAN như thế nào. Các nước này không xem trọng việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà chỉ lo cho bản thân mình. Một số nước chỉ nói là nên tuân thủ luật pháp quốc tế mà không có hành động cụ thể để bảo vệ luật pháp, một số nước thậm chí không nói.

Việc Lào và Campuchia không muốn đưa lời lên án Trung Quốc vào bản thông cáo chung khi các nước này chủ trì các cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN khiến cho có người nghĩ rằng vì Lào và Campuchia không có quyền lợi tại Biển Đông cho nên họ bất cần. Nhưng tại châu Âu, khi Nga sát nhập Crimea thuộc lãnh thổ Ukraine thì lúc đó Ukraine chưa phải là hội viên của Liên Âu, cũng không phải là hội viên của NATO. Nhưng các nước Liên Âu vẫn đồng lòng phản đối Nga. Các nước Liên Âu phản đối Nga xâm chiếm Ukraine mặc dù chưa đụng đến họ vì họ nghĩ rằng nếu Nga cứ tiếp tục hành vi như vậy thì sẽ có ngày các nước này cũng bị Nga xâm lăng. Các nước Liên Âu phản đối Nga cũng vì các nước này tin tưởng là các nước phải hành xử theo luật pháp chứ không dùng sức mạnh để rồi nước lớn sẽ ăn hiếp nước nhỏ.

Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian tại hội nghị Shangri La 2016

Tinh thần tôn trọng luật pháp của châu Âu thấy rõ hơn trong hội nghị Shangri La 2016 tại Singapore. Trong hội nghị này, bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian kêu gọi các nước châu Âu nên hiện diện và tuần tiễu thường xuyên ở khu vực Biển Đông. Ông nói nếu các nước muốn tránh xung đột thì phải tôn trọng luật tự do hàng hải và mọi người phải tự đứng ra bảo vệ. Nếu ngày nay có nước không tôn trọng luật tự do hàng hải ở Biển Đông thì sau này có thể có nước sẽ không tôn trọng ở biển Ban Tích hay Địa Trung Hải.

Tinh thần tôn trọng luật pháp tại các nước ASEAN xem ra không cao như ở các nước Liên Âu. Đừng nói gì đến luật pháp quốc tế, ngay như ở trong một nước, một số chính quyền trong các nước ASEAN cũng hành xử bất chấp luật pháp của nước mình như tham nhũng, chiếm đoạt tài sản quốc gia, đàn áp chỉ trích. Những người cầm quyền vi phạm chính luật pháp của nước mình thì chắc cũng không có tinh thận thượng tôn pháp luật cao đến mức lo ngại Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhiều người dân các nước Á Châu ngày nay cho rằng đất nước mình ngày nay cũng văn minh không thua gì các nước Tây Phương. Họ thấy rằng họ ăn mặc đúng mốt, hành xử trong cuộc sống cũng văn minh như người dân các nước Tây Phương. Nước họ cũng có các tòa nhà cao chọc trời như các thành phố Tây Phương. Nhưng qua cách hành xử giữa Liên Âu và ASEAN trong việc đòi hỏi nước khác phải tuân thủ luật pháp quốc tế thì người ta thấy các nước Liên Âu vẫn đi trước các nước Á Châu về mặt phát triển, văn minh.


Minh Đức





No comments:

Post a Comment