Thursday, February 25, 2016

Ông Tôn Đức Thắng không có mặt ở Hắc Hải khi xảy ra binh biến

Dưới đây là đoạn trích trong cuốn sách Imagined Ancestries of Vietnamese Communism do sử gia Christoph Giebel viết, kể lại ông đã sang Pháp, đến kho lưu trữ hồ sơ của Hải Quân Pháp để tìm xem ông Tôn Đức Thắng có tên trong danh sách các chiếc tàu đã tham gia của nổi loạn hay không và đã không tìm thấy tên ông Tôn Đức Thắng.





(Bắt đầu phần trích dẫn)

Ông Tôn Đức Thắng và cuộc nổi loạn ở Hắc Hải

Chúng tôi xin nhắc lại theo lời ông Dương Văn Phúc thì ông Lê Văn Lương tuyên bố trong buổi họp của Đảng Cộng Sản Đông Dương ở Võ Nhai để kỷ niệm ba mươi năm Cách Mạng Tháng Mười rằng: vào năm 1919, ông Tôn Đức Thắng lúc đó có mặt trên chiếc tàu Pháp ở Hắc Hải, đậu ở hải cảng Sevastopol, đã tham dự cuộc nổi loạn quốc tế thành công để bảo vệ Liên Bang Xô Viết. Và ông ta đã có dịp tiếp xúc với ông André Marty, người được biết đến là đã khởi xướng ra cuộc nổi loạn. Bằng chứng nào có thể tìm thấy để chứng minh cho câu chuyện mà Bác Tôn đã kể về vụ Hắc Hải?



Cuộc nổi loạn tại Hắc Hải, là một vụ nghiêm trọng đến mức sau đó tòa án quân sự đã được tổ chức để xét xử, đã xảy ra trên các chiếc tàu sau đây của Pháp:

  • Tàu Protet, cuộc nổi loạn không tiến hành thành công, đậu tại Galati, Romania, ngày 16 tháng 4 năm 1919 (Theo ông André Marty).
  • Tàu France, được tiến hành từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 4 năm 1919 khi đang đậu tại hải cảng Sevastopol và từ 23 đến 30 tháng 4 năm 1919, khi đang đi ngoài khơi .
  • Tàu Jean-Bart, được tiến hành từ 19 đến 21 tháng 4 năm 1919 khi đang đậu tại hải cảng Sevastopol.
  • Tàu Justice, được tiến hành từ 20 đến 22 tháng 4 năm 1919, khi đang đậu tại hải cảng Sevastopol.
  • Tàu Algol, được tiến hành từ 21 đến 22 tháng 4 năm 1919, khi đang đậu tại hải cảng Sevastopol.
  • Tàu Waldeck-Rousseau, đậu ngoài khơi Odessa, tiến hành từ 27 đến 28 tháng 4 năm 1919.
  • Và tàu Tuareg, đậu ngoài khơi Odessa, tiến hành từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 1919.
Tàu France, đậu tại hải cảng Toulon, Pháp

Tàu Jean-Bart, chụp năm 1911

Ngoài ra, các chi tiết do hai ông Masson và Marty kể đã ăn khớp với nhau mô tả có các cuộc nổi loạn kém nghiêm trọng hơn xảy ra trên các chiếc tàu sau:

  • Tàu Du Chayla, đậu tại hải cảng Sevastopol, tiến hành từ 19 đến 21 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Mirabeau lúc đó đang bị hư hại, đậu tại hải cảng Sevastopol, tiến hành vào khoảng 21 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Vergniaud, đậu tại hải cảng Sevastopol, tiến hành từ 21 đến 22 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Scarpe, đậu tại hải cảng Sevastopol, tiến hành từ 22 đến 23 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Bruix, đậu tại Tendra, một hòn đảo ngoài khơi Odessa, tiến hành vào ngày 28 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Dehorter, đậu ngoài khơi bán đảo Crimea, xảy ra vào đầu tháng 5 năm 1919.
  • Và tàu Condorcet, đậu ngoài khơi Crimea, tiến hành từ 13 đến 14 tháng 6 năm 1919.

Lời kể của hai ông Marty và Masson mặc dầu vậy đã khác nhau về một số đơn vị hải quân cũng có liên quan đến vụ nổi loạn. Trong các trường hợp này, thủy thủ đoàn không có dự tính trước mà bị ảnh hưởng của các vụ nổi loạn xảy ra gần đó và là các vụ bất tuân lệnh trong thời gian ngắn. Với các trường hợp ít quan trọng này, chỉ có ông Marty nhắc đến còn ông Masson thì không, đã nêu tên các chiếc tàu sau:

  • Tàu Escaut, đậu tại hải cảng Sevastopol, tiến hành từ 21 đến 22 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Fauconneau, đậu ngoài khơi Odessa, xảy ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1919.
  • Tàu Mameluck, đậu ngoài khơi Odessa, xảy ra vào ngày 27 tháng 4 năm 1919.
Trong khi đó ông Masson kể là có cuộc nổi loạn ngắn xảy ra trên hai chiếc tàu mà ông Marty không nói đến. Đó là các chiếc:
  • Tàu Hussard, đậu tại hải cảng Sevastopol, xảy ra vào ngày 24 tháng 4 năm 1919.
  • Và tàu Chamois, không nói rõ là xảy ra vào tháng 4 hay tháng 5 năm 1919.
Ông Tôn Đức Thắng (mặc áo trắng đứng ngoài cùng bên phải) chụp với đồng đội tại căn cứ hải quân Toulon, Pháp, 1917


Hải quân Pháp lưu trữ chi tiết về các danh sách thủy thủ đoàn (tiếng Pháp gọi là rôles d’équipages). Đây là các cuốn sách lớn có in sẵn để điền các chi tiết vào chỗ trống. Trong số các dữ kiện ghi trong đó có tên họ, tuổi, số quân, ngày tháng và các hải cảng mà thủy thủ đó cập bến cùng với các chức vụ được ghi bằng mực trong sổ đăng ký. Danh sách thủy thủ đoàn vào năm 1919 của hầu hết các chiếc tàu kể trên tôi đều tìm thấy và những người giữ hồ sơ của Pháp cũng đã tìm kiếm tên của một số thủy thủ khác theo yêu cầu của tôi. Danh sách thủy đoàn duy nhất không tìm thấy là của chiếc tàu Condorcet (thuộc nhóm 2). Vì Bác Tôn có thể dùng tên Dinh Cong Thang trong một số trường  hợp trước năm 1929 nên danh sách thủy thủ đoàn được tìm kiếm với các tên TON Duc Thang, DINH Cong Thang, và THANG, Ton Duc/Dinh Cong. Nhưng không có tên nào tìm thấy trong các danh sách thủy thủ đoàn.

Trên căn bản bằng chứng này, bốn kết luận sơ khởi được đưa ra:

Thứ nhất, ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên các chiếc tàu này khi cuộc nổi loạn quan trọng xảy ra.

Thứ hai, ngay cả trước và sau khi cuộc nổi loạn xảy ra, ông Tôn Đức Thắng không hề tiếp xúc với ông André Marty, lúc đó đã phục vụ trên tàu Protet (nhóm 1) từ năm 1917.

Thứ ba, ông Tôn Đức Thắng không hề tham dự trong bất cứ cuộc nổi loạn nào xảy ra ở hải cảng Sevastopol.

Thư tư, về các cuộc nổi loạn kém quan trọng hơn, chúng tôi loại bỏ việc ông Tôn Đức Thắng có tham gia trên các chiếc tàu khác, ngoại trừ chiếc Condorcet, có một cuộc nổi loạn kém quan trọng và xảy ra ở một nơi xa xôi vào hai tháng sau khi đợt nổi loạn chính xảy ra.

Ông André Marty, kỹ sư cơ khí trên tàu France, được nói là một trong hai người đã khởi xướng ra vụ nổi loạn. Ông André Marty sau đó bị tòa án quân sự kết án 20 năm tù khổ sai. Bốn năm sau, ông được ân xá (1923). Năm 1924, ông ứng cử quốc hội Pháp và đã đắc cử.

Chẳng những ông Tôn Đức Thắng không có tên trong bất cứ danh sách thủy thủ đoàn tìm thấy được mà không có người Việt nào có mặt trong các chuyến hải hành đến Sevastopol. Thủy thủ từ các thuộc địa khác của Pháp (người Senegal hay người Bắc Phi) được ghi với các chức vụ. Danh sách có tên thủy thủ người Việt (tiếng Pháp là marins indigènes) được xem xét cẩn thận. Danh sách này cho thấy người Việt phần lớn là “thủy thủ hạng ba không có chuyên môn” (tiếng Pháp là matelots de troisième classe sans spécialité), và là thủy thủ tập sự (apprentis marins) được thuyên chuyển khi ghé căn cứ hải quân Pháp tại Salonika (Hy Lạp) và Constantinople, ở ngoài khu vực Hắc Hải. Lấy thí dụ, vào tháng giêng năm 1919, tàu Bruix chở mười lăm thủy thủ tập sự “Tonkinois” (nghĩa là người miền Bắc) đến Constantinople và đến Patrie (đóng căn cứ ở đó và chỉ xảy ra nổi loạn vào tháng sáu năm 1919, ở ngoài khu vực Hắc Hải). Thủy thủ người Việt chỉ được điều đến các chiếc tàu sau khi các chiếc này đã đi về từ Hắc Hải. Trước đó trên các tàu đã xảy ra các vụ bất tuân thượng lệnh từ mùa Xuân năm 1919.

Như vậy, vào tháng chín và tháng mười năm 1919, khoảng năm mươi thủy thủ tập sự gốc miền Bắc được phân công trên chiếc tàu Waldock-Rousseau. Họ đã được tuyển mộ vào mùa hè năm 1918 để phục vụ trong ba năm. Vài tháng sau đó, một số được thuyên chuyển sang các tàu France và Jean-Bart. Các chiếc tàu này trước đó đã tiếp nhận hơn một trăm thủy thủ người Việt tại hải cảng Salonika từ đầu mùa thu năm 1919. Trong số thủy thủ này có hai đốc công và hai nhóm đông bằng nhau gồm thủy thủ tập sự và thủy thủ không có tay nghề chuyên môn được tuyển mộ từ Sài Gòn (nói chung là tại Đông Dương) vào mùa thu năm 1918. Sau cùng, vào tháng mười và tháng mười một năm 1919, tàu Du Chayla tiếp nhận chín thủy thủ gốc miền Bắc từ Constantinople. Ngay cả trong số các thủy thủ người Việt phục vụ trên các tàu hải quân sau khi đã xảy ra chiến dịch chống Bôn Sê Vích của Đồng Minh cũng không có tên ông Tôn Đức Thắng.

Do đó chúng ta có thể kết luận ông Tôn Đức Thắng không hề tham dự trong bất cứ cuộc nổi loạn chính nào tại Hắc Hải năm 1919. Việc ông có thể hiện diện trên một chiếc tàu có vụ nổi loạn ở một căn cứ xa xôi cũng không bị bỏ qua. Xét về việc thủy thủ người Việt được phân công đến các tàu sau khi có việc thuyên chuyển qui mô lớn lính trừ bị vào tháng chín và tháng mười năm 1919 thì cũng khó mà có việc ông Tôn Đức Thắng có mặt trên chiếc tàu mà chúng tôi không tìm được danh sách thủy thủ đoàn. Chúng tôi sẽ soát lại các sự kiện xảy ra năm 1919 và kiểm lại kết luận của chúng tôi vào Chương 3, trong đó tôi sẽ bàn về các chi tiết mà ông Tôn Đức Thắng kể về vụ nổi loạn Hắc Hải.

Dù cho chuyện ông Tôn Đức Thắng thực sự tham gia cách mạng tại Hắc Hải là không đúng sự thật, nhưng có thể có một phần sự thật trong đó. Vì ông là thủy thủ thuộc địa phục vụ tại căn cứ hải quân Pháp ở Toulon từ năm 1916 cho đến khoảng 1919/1920 thì ông ta có thể có cơ hội đi đến Hắc Hải vào trước lúc hay trong lúc xảy ra vụ các vụ nổi loạn.

(Chấm dứt phần trích dẫn)

(Chú thích: đoạn cuối có nghĩa là ông Tôn Đức Thắng có thể có dịp đi trên một chiếc tàu nào đó đến Hắc Hải trước khi hay trong khi xảy ra các vụ nổi loạn nhưng không phải là có mặt trên các chiếc tàu đã xảy ra vụ nổi loạn)



No comments:

Post a Comment