Thursday, January 28, 2016

Người thợ mỏ Xta-kha-nốp

A-lếch-xây Xta-kha-nốp (1906-1977)
Ngày 31/8/1935, người thợ mỏ A. Xta-kha-nốp ở mỏ than Đô-nhét-xcơ đã khai thác được 102 tấn than trong 1 ca, gấp 14 lần định mức, lập kỉ lục về năng suất khai thác than. Kỉ lục của Xta-kha-nốp đã trở thành tia lửa thổi bùng lên ngọn lửa của phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước. Phong trào thi đua Xta-kha-nốp đã lôi cuốn hàng triệu người lao động ở Liên Xô. Vì sao nhân dân Liên Xô đạt được thành tựu đó? Những thành tựu đó nói lên điều gì ?


Nước nga sau chiến tranh, tình hình vô cùng khó khăn: kinh tế kiệt quệ, bị đế quốc bao vây 4 phía, dưới sự lành đạo của chính quyền Xô viết đứng đầu là Lê- nin và Đảng Bôn –sê- vích, nước Nga đã đứng vững, bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt được nhiều thành tựu, đưa nước Liên Xô trở thành nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Tượng A-lếch-xây Xta-kha-nốp tại thành phố Xta-kha-nốp, Ukraine

Thành tích cao của người thợ mỏ Xta-kha-nốp và phong trào thi đua lao động được chính quyền Liên Xô coi như đó là nhờ lòng yêu lao động và yêu xã hội chủ nghĩa mà năng suất của công nhân Liên Xô cao vượt mức so với công nhân các nước tư bản. Chế độ tại Liên Xô được nói “đó là sự phủ định của chế độ tư bản Tây Phương”. Vì sao nói đó là sự phủ định của chế độ tư bản? Chế độ tư bản xây dựng trên lòng ham lợi nhuận. Người công nhân xứ tư bản làm việc là để kiếm tiền, vì cần tiền để sinh sống. Trong khi đó, theo cách tuyên truyền của Liên Xô thì nhờ Liên Xô đã xóa bỏ tư hữu, người lao động không còn bị chủ bóc lột nữa, không còn làm việc vì lòng ham lợi nhuận, vì cần tiền mà phải bán sức lao động mà lao động vì lòng yêu lao động, vì lòng yêu xã hội chủ nghĩa nên năng suất cao hơn hẳn năng suất công nhân xứ tư bản. Điển hình là anh thợ mỏ Xta-kha-nốp có năng suất 102 tấng than trong một ca, cao hơn bất cứ công nhân nào ở xứ tư bản. Chế độ Liên Xô phủ định thuyết nói rằng lòng ham lợi nhuận làm cho kinh tế phát triển hơn mà cho thấy là lòng yêu lao động mới là yếu tố quyết định làm cho kinh tế phát triển.

Phong trào Xta-kha-nốp được phát động khắp nơi tại Liên Xô với cuốn phim chiếu lúc anh Xta-kha-nốp đào than.






Thực ra, thành tích 102 tấn than trong một ca đó là do một nhóm năm người thợ mỏ làm ra, trong đó có anh Xta-kha-nốp.

Sau khi Stalin qua đời, chế độ bớt khe khắt trong việc kiểm soát dân phần nào, một số người thợ làm chung với anh ta đã tiết lộ đó không phải là thành tích của một mình anh ta.

Đến năm 1985, báo New York Times của Mỹ có bài viết bài nói rằng thành tích của anh Xta-kha-nốp thực ra là thành tích của nhiều người góp sức. Bài báo trích lời ông Konstantin G. Petrov, bí thư chi ủy mỏ than ở Donbass, Ukraine:

“Tôi cho rằng Xta-kha-nốp không phải là người đầu tiên… Cũng có thể là một người khác. Sự phân tích sau này cho thấy thành tích đó không phải do một người quyết định muốn phá vỡ kỷ lục mà là do cách thức khai thác than” .

Lời bào chữa của ông Konstantin G. Petro xác nhận đó không phải là thành tích của một mình anh Xta-kha-nốp.

Năm 1988, trong không khí của phong trào Mở Cửa (Glasnost) do Góoc-ba-chốp cho phép, báo Komsomolskaya Pravda viết rằng thành tích của anh Xta-kha-nốp chỉ là sự lừa dối, thật ra anh ta có một số người phụ giúp trong khi đó lại loan tin đó là thành tích của mình anh ta mà thôi.

Ngày 30 tháng 12, 2015, bà Violleta Stakhanova, con gái của anh Xta-kha-nốp nói với phóng viên đài BBC rằng anh Xta-kha-nốp được đề cao vì anh ta đã đề nghị với lãnh đạo mỏ than là làm việc theo lối phân công, một người đào than, một người nhặt than ra, một người bốc than bỏ vào xe, một người kéo xe ra chỗ cột cầu thang và một người đánh xe ngựa chở thanh ra ngoài thay vì trước đó một người làm tất cả mọi việc.

Việc phân công quả có làm cho năng suất gia tăng nhưng thời 1935 thì nhà nước chỉ nói đó là do thành tích của một mình anh Xta-kha-nốp mà thôi, không nói rằng nhờ cải thiện cách sản xuất mà năng suất gia tăng. Thành tích này được đặt làm chỉ tiêu để các thợ mỏ khác noi theo mà đạt đến. Chỉ tiêu quá cao làm cho nhiều thợ mỏ phản đối, có nơi thợ đình công và sinh ra xung đột. Chỉ tiêu quá cao nên thợ phải làm gấp sinh ra nhiều tai nạn trong mỏ. Một số thợ mỏ ghét anh Xta-kha-nốp. Họ nói với anh Xta-kha-nốp rằng từ khi có cái thành tích của anh ta cuộc đời họ trở nên khốn khổ.

Chế độ xã hội chủ nghĩa đã được đề cao rằng với lòng yêu lao động thì năng suất của người lao động sẽ cao gấp bội năng suất của người vì bắt buộc phải lao động để kiếm tiền. Lòng yêu lao động được cổ động và tuyên truyền tuy có làm cho người lao động hăng hái lên và năng suất cao hơn nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian đầu mà thôi. Với thời gian, sự tuyên truyền và cổ động trở nên nhàm chán. Người lao động cũng vẫn nhìn vào đồng lương mình kiếm được ảnh hưởng đến đời sống gia đình mình như thế nào mà làm việc. Đến thập niên 1970, dưới thời Breznev, nền công nghiệp Liên Xô trở nên trì trệ vì mọi người làm việc uể oải, chậm chạp do thiếu sự kích thích của lòng ham lợi nhuận.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment