Monday, August 10, 2015

Pháp sẽ không giao tàu Mistral cho Nga

Hai chiếc tàu kiểu Mistral đã đóng xong và đậu tại hải cảng Saint Nazaire của Pháp

Cuối cùng thì hợp đồng Pháp đóng tàu Mistral cho Nga đã bị hủy bỏ và Pháp chấp nhận trả lại Nga số tiền có thể đến hàng tỉ đô la, tiền mà Nga đã ứng trước. Việc này mang nhiều ý nghĩa trong việc bang giao và trật tự giữa các nước châu Âu.

Hợp đồng Pháp sẽ đóng hai tàu kiểu Mistral cho Nga được ký vào tháng 6 năm 2011 với trị giá 1,7 tỉ đô la. Hai chiếc tàu đã được đóng xong, đặt tên là Vladivostok và Sevastopol và đậu tại căn cứ hải quân Saint Nazaire của Pháp. Đáng lẽ ra ngày 14 tháng 11 năm 2014 Pháp phải giao một chiếc tàu cho Nga nhưng đến tháng 9 năm 2014 Pháp loan báo sẽ hoãn giao tàu cho Nga vì Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga vào tháng 4 năm 2014. Pháp cùng với Mỹ và các nước Tây Phương đòi hỏi Nga phải trả lại vùng Crimea cho Ukraine. Nga nhất định không thay đổi lập trường. Cuối cùng Pháp hủy hợp đồng đóng tàu cho Nga. Pháp không muốn cung cấp phương tiện cho Nga đi xâm lăng các nước lân bang. Hai bên đã trải qua nhiều tháng thương thuyết để giải quyết vụ xé bỏ hợp đồng ra sao. Cuối cùng, Nga chỉ đòi hỏi Pháp chỉ trả lại tiền mà Nga đã ứng trước để đóng tàu mà không đòi hỏi Pháp phải trả tiền phạt vì đã xé bỏ hợp đồng. Theo tổng thống Pháp thì Pháp sẽ trả lại Nga một số tiền ước lượng là ít hơn 1,3 tỉ đô la.

Việc phải trả lại Nga một số tiền lớn như vậy là một sự khó khăn cho nền kinh tế Pháp, nhưng vì Nga không thay đổi lập trường về vùng Crimea và Pháp cũng không muốn bị mất mặt khi phải nhượng bô giao tàu cho Nga nên cuối cùng đã quyết định hủy bỏ hợp đồng. Trong việc xé bỏ hợp đồng này, Pháp bị thiệt hại về mặt tiền bạc, Nga bị thiệt hại vì mất một dịp học hỏi kỹ thuật quân sự mới của Pháp. Nga có thể học được kỹ thuật đóng tàu mới của Pháp và học được hệ thống chiến đấu, liên lạc điện tử mới trên tàu Pháp ra sao. Hệ thống này giúp chiếc tàu Mistral có thể trở thành một soái hạm chỉ huy trong một hạm đội, có khả năng liên lạc với vệ tinh và phối hợp tác chiến với các chiếc tàu khác trong hạm đội. Trong khi thương thuyết hợp đồng, Nga nhất định đòi Pháp phải cung cấp mã nguồn của phần mềm điều khiển hệ thống chiến đấu điện tử và Nga sẵn sàng trả thêm 200 triệu đô la cho mỗi chiếc tàu để được cung cấp mã nguồn. Mỹ đã cảnh cáo Pháp đừng nên chuyển giao công nghệ quân sự cho Nga. Nhưng tổng thống pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy không nghe vì thấy hợp đồng đóng tàu đem lại công ăn việc làm cho xưởng đóng tàu của Pháp. Qua năm 2015, khi Nga sáp nhập vùng Crimea vào lãnh thổ Nga và cung cấp vũ khí cho những người ly khai muốn tách miền Đông của Ukraine ra khỏi lãnh thổ Ukraine, tổng thống mới của Pháp là Francois Hollande hoãn giao tàu cho Nga và cuối cùng đi đến việc hủy bỏ hợp đồng.

Theo báo The Moscow Times thì Nga cũng đã học được kỹ thuật đóng tàu theo kiểu mới là đóng từng khối lớn rồi ráp lại. Theo lối đóng tàu mới, không cần phải đóng nguyên cả chiếc tàu trong một xưởng mà có thể chia ra thành nhiều khúc, mỗi xưởng ở nơi khác nhau đóng một khúc rồi cuối cùng đem ráp lại. Cách đóng này có thể chế tạo được những tàu rất lớn. Xưởng đóng tàu ở Sevastopol tại Nga đã được giao cho đóng một khúc của tàu Mistral rồi kéo qua Pháp ráp lại với các khúc khác.

Tàu Mistral là loại tàu đổ bộ hiện đại, được Pháp đưa vào sử dụng trong hải quân Pháp vào năm 2006. Tàu này có chỗ đáp cho 16 trực thăng, chở được 750 lính, 4 tàu đổ bộ nhỏ, 2 tàu chạy trên đệm hơi. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, có kho chứa lương thực và nước uống cho một chuyến đi kéo dài một tháng rưỡi.

Trong vụ xung đột xảy ra tại Georgia vào tháng 8 năm 2008, một nước xưa từng nằm trong Liên Bang Xô Viết, khi quân đội Georgia pháo kích vào cùng Ossetia Nam, là vùng đang đòi ly khai khỏi Georgia, Nga đem quân vượt qua biên giới Georgia và định tiến vào thủ đô Tbilisi của Georgia thì Mỹ đã nhanh chóng đem tàu chiến cặp bến Georgia trước và đổ lính thủy quân lục chiến vào thủ đô Tbilisi, lấy cớ là đem thực phẩm và phẩm vật cứu trợ cho Georgia. Khi thấy lính Mỹ vào Tbilisi trước, quân Nga ngừng tiến thêm và đóng lại trên đất Georgia cả năm và rồi sau đó tách vùng Ossetia Nam ra khỏi lãnh thổ Georgia. Sau vụ này, Nga đi tìm mua tàu đổ bộ vì thấy Mỹ đã có lợi thế khi có tàu có thể đổ bộ lính vào bất cứ chỗ nào. Nga tham khảo các hãng đóng tàu của Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp và cuối cùng chọn mua tàu của Pháp vào năm 2009. Sau một cuộc thương thuyết dài, hai bên đi đến chỗ ký hợp đồng đóng tàu vào tháng 6 năm 2011.

Khi tin Nga muốn mua tàu Mistral được loan báo, các nước ở gần Nga và có bờ biển như Ukraine, Georgia, Estonia, Latvia và Lithuania đã lên tiếng phản đối vì các nước này biết Nga có thể dùng tàu này để đổ quân lên nước họ khi các nước này có xung đột với Nga. Việc Pháp không giao tàu cho Nga có thể làm cho các nước này cảm thấy vui mừng vì Pháp đã không giúp cho nước có thể đe dọa đến chủ quyền của họ. 

Pháp sẽ tìm cách bán hai chiếc tàu đã lỡ đóng. Hải quân Pháp sẽ không sử dụng hai chiếc tàu này vì không muốn phải tuyển thêm người và chi thêm ngân sách cho hai chiếc tàu này hoạt động. Trong khi đậu tại bến, Pháp vẫn phải chi tiền để bảo trì cho hai chiếc tàu mỗi tháng lên đến hàng triệu đô la. Theo tổng thống Pháp thì Ai Cập và Saudi Arabia có thể muốn mua hai chiếc tàu này. Ai Cập và Saudi Arabia đang phải đối phó với sự bành trướng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Vì nhóm Nhà Nước Hồi Giáo lan tràn khắp nơi nên Ai Cập và Saudi Arabia thấy cần có khả năng chuyển quân đến các vùng đang bị Nhà Nước Hồi Giáo tấn công. Việc bán tàu xảy ra trong lúc các nước mua tàu biết rằng Pháp cần bán thì có thể Pháp sẽ không đòi được giá cao nhưng nếu bán được thì cũng làm giảm đỡ thiệt hại về tiền bạc cho Pháp.

Việc Pháp không bán tàu Mistral cho Nga đi cùng với việc các nước Tây Phương ngưng không bán các thiết bị quân sự công nghệ cao cho Nga . Không thấy có danh sách chi tiết các thiết bị đó là gì nhưng theo một số bài báo thì Nga vẫn cần nhập cảng 80% các bộ chips dùng trong các máy tính từ các nước Tây Phương. Một số bộ phận công nghệ cao dùng trong loại xe tăng mới của Nga Armata T-14 cũng phải nhập từ Tây Phương . Cùng với việc giá dầu hỏa ở mức thấp khiến cho thu nhập của nước Nga kém đi thì việc ngưng bán các thiết bị quân sự sẽ làm cho ý định của Putin muốn làm cho nước Nga có sức mạnh quân sự như thời Liên Bang Xô Viết và sáp nhập lại các nước Cộng Hòa cũ của Liên Xô trở nên khó khăn hơn .

Việc Putin sáp nhập vùng Crimea Ukraine, cắt một phần miền Đông của Ukraine, sáp nhập vùng Ossetia Nam của Georgia giống như việc Stalin bành trướng từ thập niên 1920 sau khi Liên Bang Xô Viết được thành lập. Trong thời gian Nga có nội chiến vào thập niên 1910, nhiều vùng trước đó do Nga Hoàng đánh chiếm và sáp nhập vào Nga đã nhân dịp chính quyền Nga đang bận với chiến tranh đã tách ra tuyên bố độc lập như Ukraine, Estonia, Latvia, Ethuania ... Khi chính quyền Nga ổn định được nội tình và Liên Bang Xô Viết được thành lập Stalin dùng vũ lực bắt các nước đã tách ra phải sáp nhập vào Liên Bang Xô Viết. Ngày nay, Putin đã ổn định được nội tình sau thời gian Nga hỗn loạn vì Liên Bang Xô Viết tan vỡ, Putin muốn các nước đã tách ra tuyên bố độc lập bị sáp nhập vào Nga như trước.

Nhưng ở thời nay, bên phía Tây Âu đã hình thành khối Liên Âu, gồm các nước sống chung hòa bình với một số luật lệ chung cho toàn thể các nước trong khối để tránh xảy ra xung đột giữa các nước và để cho việc hợp tác giữa các nước hữu hiệu hơn. Khối Liên Âu không chấp nhận các nước trong khối đem quân đánh lẫn nhau để tranh giành đất đai và cũng không để các nước lân bang bên ngoài khối dùng sức mạnh thôn tính các nước khác. Theo cách nhìn của các nước Liên Âu, khi để cho một nước dùng sức mạnh thôn tính nước khác thì nước đó trở nên rộng lớn hơn, mạnh hơn. Một nước lớn mạnh cứ bành trướng bằng quân sự mãi thì sẽ đến lúc nước đó tấn công các nước trong Liên Âu khiến cho toàn châu Âu lâm vào chiến tranh giống như thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Người châu Âu có kinh nghiệm rằng sau hai trận thế chiến thì các nước dù thắng hay bại đều bị tàn phá và lâm cảnh nghèo đói trong thời gian dài. Như thế không bằng giữ một một châu Âu không ai đánh ai, tất cả lo phát triển kinh tế, đặt ra một trật tự không để cho nước lớn lấn át nước nhỏ thì các nước dù lớn hay nhỏ vẫn an tâm phát triển kinh tế, không phải lo vì nước mình nhỏ sẽ bị tiêu diệt mà phải đi đánh nước khác để bành trướng. Các nước Liên Âu đã mời Nga gia nhập khối Liên Âu nhưng Putin từ chối. Putin vẫn còn tin vào cách thức dùng sức mạnh để thôn tính lân bang để mở mang bờ cõi như thời Nga Hoàng. Nhưng ở thời Nga Hoàng, các nước Tây Âu là các nước riêng rẽ và vua chúa các nước này cũng gây chiến với nhau để mở mang bờ cõi giống như Nga Hoàng. Khi Nga Hoàng đánh chiếm các nước nhỏ ở gần Nga thì các cường quốc Tây Âu ở quá xa, thời đó phương tiện liên lạc và giao thông kém nên để mặc kệ cho Nga Hoàng làm. Ngày nay, các phương tiện giao thông và liên lạc hữu hiệu hơn khiến cho các nước hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nên khối Liên Âu không để cho Putin dùng cách xử sự với sức mạnh kiểu Nga Hoàng như xưa. Cách xử sự này gây thiệt hại cho cả Nga lẫn khối Liên Âu về mặt kinh tế, gây thiệt hại cho Ukraine về mặt sinh mạng và tài sản. Bà thủ tướng Nga Angela Merkel sau một lần gặp gỡ và nói chuyện với Putin đã về nước tuyên bố rằng ông Putin như người đang sống ở một thế giới khác. Ông Putin đang sống trong thế giới với các nước mạnh dùng vũ lực lấn át các nước yếu như thời thế kỷ 19 trong khi bà Angela Merkel muốn ông Putin xử sự theo luật lệ trong hòa bình như các nước Liên Âu ở thế kỷ 21.

Lịch sử nước Nga là quá trình bành trướng từ một nhóm người ở thành phố Kiev. Lúc đầu, người Nga sống dưới sự cai trị của dân Tartar, thuộc giống Mông Cổ. Dần dân về sau họ mạnh lên. Người Nga học các văn minh từ phía Tây Âu để đánh lại người Tartar rồi từ đó về sau thôn tính các dân tộc xung quanh. Thời kỳ Liên Xô là lúc nước Nga mạnh lên và dùng các kỹ thuật quân sự học được của Tây Âu để đánh lại các nước này. Liên Bang Xô Viết đã bị tan rã khi Liên Xô lâm vào khủng hoảng kinh tế vì giá dầu hỏa xuống thấp vào thập niên 1980. Qua đầu thập niên 2000, ông Vladimir Putin lên cầm quyền sau khi ổn định nội tình đã bắt đầu theo đuổi chính sách sáp nhập lại các nước Cộng Hòa Nga cũ để phục hồi lại sự vinh quang thời Xô Viết. Nhưng đồng thời Nga cũng phải tìm cách đuổi kịp Mỹ và Tây Âu về mặt kỹ thuật. Nga đã bị tụt hậu khi cuộc Cách Mạng Tin Học diễn ra tại Mỹ, Nhật và Tây Âu vào đầu thập niên 1980. Nga chỉ muốn học kỹ thuật quân sự của Tây Phương để có sức mạnh về quân sự. Nhưng về mặt xã hội, Nga vẫn cai trị theo lối chuyên chế như thời vua chúa . Nói cách khác, xã hội Nga đã không chuyển biến theo hướng để dân có tự do hơn như tại Tây Phương . Trong thời kỹ Xô Viết, tuy người Nga ráo riết phát triển kỹ thuật quân sự và đuổi kịp các phát minh quân sự mới của Tây Phương nhưng quyền tự do của người dân vẫn bị hạn chế, chủ nghĩa cá  nhân bị xem là điều xấu xa . Các phát minh, sáng kiến của Tây Âu và Mỹ là do để cho cá nhân được tự do . Trong khi người Nga cho rằng chỉ cần một nhóm người cầm quyền đề ra chính sách để đuổi kịp Tây Phương còn người dân không cần tự do mà chỉ nghe lời chính quyền . Chính sách đó áp dụng cho Liên Bang Xô Viết trong 80 năm mà nước Nga vẫn cứ phải đuổi theo các nước Tây Phương . Việc Pháp không bán tàu Mistral cho Nga khiến Nga mất đi một dịp học hỏi kỹ thuật quân sự mới của Pháp cho thấy vị trí của nước Nga so với các nước ở châu Âu khác ra sao . Nga tuy rất mạnh về quân sự nhưng về mặt xã hội, quyền người dân không được tôn trọng và một số mặt về khoa học, kỹ thuật vẫn không bằng các nước Tây Âu.



Minh Đức




Mua chiến hạm Mistral hiện đại của Pháp, Nga rút ngắn được thời gian
Thụy My
Đăng ngày 02-07-2014 Sửa đổi ngày 02-07-2014 18:12
REUTERS/Julie Louise

« Pháp-Nga, Mistral thắng cuộc », đó là tựa đề bài viết của nhật báo cánh tả Libération, nói về sự kiện 400 lính hải quân Nga đến thành phố cảng Saint-Nazaire của Pháp để được đào tạo việc điều khiển chiến hạm Mistral. Loại tàu chiến hiện đại này sẽ được Paris giao cho Matxcơva, mặc cho các áp lực đòi hỏi Pháp ngưng bán cho Nga.

Năm 2011 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, một hợp đồng 1,2 tỉ euro đã được ký kết, theo đó Pháp bán cho Nga Mistral, chiến hạm phóng hỏa tiễn và điều khiển (BPC) có thể vận chuyển thiết bị quân sự và binh lính đến nơi xảy ra chiến sự. Pháp hiện có ba chiếc, đã từng sử dụng để đưa quân và vũ khí đến Mali trong chiến dịch Serval, hay để can thiệp ở Trung Phi tháng 12/2013. Còn tại Liban năm 2006, Mistral được đưa đến để di tản thường dân.

Quan trọng nhất ở chiến hạm loại BPC có lẽ là tính đa năng. Buồng chỉ huy của các tàu chiến này đầy các thiết bị điện tử, bệnh viện trên tàu có cả phòng phẫu thuật, chiến hạm cũng chở theo được các trực thăng. Đây là một công năng hết sức quan trọng trong chiến dịch Harmattan ở Libya năm 2011, giúp các trực thăng cất cánh một cách hoàn toàn bí mật ở cách vùng duyên hải chỉ vài cây số, để không kích lực lượng của Kadhafi trong đêm tối. Nhà sử học Jean-Christophe Notin nhấn mạnh : « Chính nhờ sự can thiệp này mà Mistral đã chinh phục được người Nga ».

Nhưng có lẽ nhân một chiến dịch bí mật khác mà BPC đã chứng tỏ phạm vi hoạt động rộng rãi của mình. Tháng Giêng năm 2013, Paris đã âm thầm đưa đến ngoài khơi Somalie chiếc Dixmude, từ đó đội đặc nhiệm được trực thăng vận đến giải cứu Denis Allex, một nhân viên phản gián bị phe Hồi giáo bắt giữ, tuy không thành công. Địa điểm giam giữ đã được dựng lại bằng kích thước thật ngay trên tàu.

Tại Nga, hợp đồng được ký năm 2011 giữa hai tổng thống Vladimir Putin và Nicolas Sarkozy đã gây phản ứng trong giới công nghiệp quốc phòng Nga. Họ đặt câu hỏi : Vì sao lại mua của Pháp trong khi Nga có thể sản xuất được ? Ngoài ý nghĩa ngoại giao, việc mua hai chiếc Mistral giúp Matxcơva rút ngắn được thời gian vàng ngọc.

Nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Sipri ở Stockholm giải thích : « Nếu hai chiến hạm này không được Pháp bán cho, Nga sẽ phải huy động công nghiệp của chính mình. Như thế sẽ lâu hơn, chất lượng kém hơn, nhưng cũng tự đóng được ». Về phía chuyên gia Philippe Migault của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược thì ghi nhận : « Nga có vấn đề trong lãnh vực hàng hải : việc tự đóng tàu luôn trễ tràng và giá thành bị đội lên. Khi nhờ đến kỹ nghệ Pháp, họ biết rằng sẽ được giao đúng hạn, đồng thời mua được kỹ năng : nhờ tự động hóa, chỉ cần có 200 thủy thủ trên chiếc Mistral trong khi lẽ ra quân số phải gấp ba ».

Một trong hai chiến hạm Mistral bán cho Nga, chiếc Vladivostok đã hoàn tất, và 400 thủy thủ Nga chuẩn bị được đào tạo cách điều khiển trước khi đưa tàu về Nga mùa thu tới. Một sự mỉa mai của lịch sử : chiến hạm thứ hai sẽ giao năm 2015 được đặt tên là Sépastopol, tên thành phố cảng của Crimée, vùng đất Ukraina đã bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba.

Mặc cho nhiều đồng minh công khai lên tiếng phản đối (từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski), Paris vẫn duy trì quan điểm. Trước hết, đó là vì nếu hủy hợp đồng bán hai chiếc Mistral, mà Matxcơva đã ứng trước 1,2 tỉ euro ; Nhà nước Pháp không chỉ phải hoàn tiền lại mà còn bị bồi thường, cũng như thanh toán cho cơ sở đóng tàu STX. Điều này rất tai hại cho Pháp trước những khách hàng tiềm năng như Ấn Độ, Brazil, Chilê…

Để làm giảm bớt những chỉ trích, Paris cố khẳng định là Nga chỉ được giao vỏ tàu, không được trang bị các loại vũ khí và thiết bị kỹ thuật cao như các chiến hạm Pháp. Một chuyên gia giấu tên nói : « Chúng ta cung ứng cho người Nga một công cụ tiên tiến, sau đó họ tự biết trang bị như ta thôi ». Chuyên gia này nhấn mạnh một nguyên tắc bất thành văn trong lãnh vực bán vũ khí : quốc gia là nước cung cấp trong tương lai cũng sẽ là nước đối phó tốt nhất, nhờ nắm rõ thiết bị đã bán.





Việc Pháp giao chiến hạm Mistral thứ hai tùy thuộc thái độ của Nga
Thụy My
Đăng ngày 22-07-2014 Sửa đổi ngày 23-07-2014 22:03

Việc giao chiếc chiến hạm Mistral thứ hai theo đơn đặt hàng tùy thuộc vào thái độ của Matxcơva trong hồ sơ Ukraina. Tổng thống Pháp François Hollande tối qua đã tuyên bố như trên trước báo chí. Chính giới Pháp hôm nay 22/07/2014, tỏ ra ủng hộ quyết định của ông Hollande vẫn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga.

Tổng thống Pháp nói rằng: “Chiến hạm Mistral thứ nhất theo hợp đồng đã hầu như hoàn tất và sẽ được giao như dự kiến vào tháng 10. Hiện nay chưa có mức độ trừng phạt nào được quyết định có thể ngăn trở được việc này. Còn chiếc Mistral thứ hai thì còn tùy thuộc vào thái độ của Nga”.

Được biết chỉ có những biện pháp trừng phạt do các nguyên thủ Liên hiệp châu Âu đưa ra mới có thể ngăn cản việc Pháp giao cho Nga chiếc chiến hạm hiện đại thứ hai, nhưng hiện nay chưa có cuộc họp nào của các lãnh đạo châu Âu về vấn đề này.

Các Ngoại trưởng châu Âu họp lại hôm nay có thể tăng cường trừng phạt Nga, nhưng không liên quan đến việc chuyển giao các thiết bị quân sự. Những người thân cận điện Elysée cho biết: “Hiện nay Pháp muốn việc trừng phạt tập trung và nhanh gọn vào mặt tài chính”.

Hợp đồng làm Paris bối rối từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina lại được Thủ tướng Anh David Cameron gợi lên hôm qua, nói rằng việc chuyển giao này đối với Anh quốc là “khó thể chấp nhận được”. Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ tuyên bố phản đối việc Pháp bán Mistral cho Nga, còn Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi đầu tháng Sáu cũng nói rằng tốt nhất Paris nên ngưng lại việc giao chiến hạm này.

Quyết định của ông François Hollande vẫn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga bất chấp phản đối của Anh và Mỹ, đã được các chính khách Pháp cánh tả cũng như cánh hữu lên tiếng ủng hộ.

Tổng thư ký đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis cho rằng ông Hollande khi đặt điều kiện như vậy đã gây áp lực lên Matxcơva. Theo ông, các chỉ trích của Anh - nơi thị trường tài chính có sự tham gia của nhiều đại gia Nga - mang tính mị dân, và việc hủy hợp đồng Mistral sẽ không làm Putin chùn bước được.

Còn cựu bộ trưởng đảng cánh hữu UMP Xavier Bertrand nhấn mạnh đến quyền tự quyết quốc gia. Ông cho rằng lời cam kết và chữ ký của nước Pháp phải được tôn trọng, nếu không giữ lời hứa thì Paris không thể đóng được vai trò nào trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Hơn nữa, nếu không giao chiến hạm chở trực thăng đầu tiên trị giá 1,2 tỉ đô la, Pháp sẽ phải bồi thường cho Nga.

Tại công xưởng đóng tàu STX ở Saint-Nazaire (vùng Loire-Atlantique), nơi 400 lính hải quân Nga từ một tháng qua đang lặng lẽ thực hành cách điều khiển chiến hạm hiện đại này, người ta cho rằng việc giao tàu là điều bình thường.

Rohan Jardin, đại diện nghiệp đoàn CFDT của công trường đang thực hiện hợp đồng cho tập đoàn DCNS và cơ quan vũ khí Pháp DGA nói rằng: “Chiếc tàu đã đóng xong và Nga đã trả tiền, nếu không giao hàng là không bình thường”. Ông nhấn mạnh, chiếc Mistral sẽ được giao không trang bị vũ khí: “Chúng tôi chỉ là người gia công trong vụ này. Tàu được giao cho Nga, bán cho nước khác hay đậu tại cảng để chờ đợi tình hình Ukraina hòa dịu hơn, không phải là việc của chúng tôi”.

Là chiến hạm đa năng tối tân, có cả bệnh viện trên tàu, chiếc Mistral đầu tiên theo đặt hàng của Nga mang tên Vladivostok được đóng cả ở Saint-Nazaire và Saint-Petersbourg, có thể chở theo 16 trực thăng, giúp đổ bộ 450 quân nhân cùng với lực lượng cơ giới.

Chiếc thứ hai, do một trùng hợp tình cờ, mang tên Sebastopol – cảng của thành phố Crimée của Ukraina, nơi Hải quân Nga trú đóng và vừa bị Matxcơva sáp nhập – theo dự kiến sẽ giao vào cuối năm 2015. Hợp đồng còn để ngỏ khả năng mua thêm hai chiếc Mistral nữa, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay khó thể thành hiện thực.





Pháp ngưng giao chiến hạm Mistral đầu tiên cho Nga
Thụy My
Đăng ngày 03-09-2014 Sửa đổi ngày 04-09-2014 10:43

Điện Elysée hôm nay 03/09/2014 tuyên bố, các điều kiện để Pháp cho phép giao chiến hạm đầu tiên trong số hai chiếc Mistral cho Nga « hiện nay chưa hội đủ », trong bối cảnh tình hình tại Ukraina đang trở nên nghiêm trọng.

Thông cáo của Dinh Tổng thống sau một hội nghị thu hẹp về quốc phòng cho biết, trước « tình hình Ukraina » được đánh giá là « nghiêm trọng », « Tổng thống Pháp nhận xét rằng mặc cho viễn cảnh ngưng bắn - đang chờ đợi được xác nhận và thực hiện - các điều kiện để Pháp cho phép giao chiến hạm Mistral đầu tiên hiện nay chưa hội đủ ».

Cũng theo Elysée, « các hành động do Nga tiến hành mới đây tại miền đông Ukraina là vi phạm các nền tảng của an ninh châu Âu ». Thông cáo trên được đưa ra một ngày trước hội nghị thượng đỉnh của khối NATO tổ chức tại xứ Wales.

Hoa Kỳ hôm nay thêm một lần nữa tố cáo việc Pháp bán chiến hạm hiện đại trên cho Nga, vào lúc châu Âu chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Matxcơva - bị lên án là đã trực tiếp tham gia vào các trận đánh ở miền đông Ukraina. Việc giao chiến hạm Mistral cũng bị phản đối kịch liệt tại châu Âu, nhất là Anh và Litva.

Hợp đồng bán hai chiến hạm tối tân ký với Nga vào năm 2011 có trị giá 1,2 tỉ euro. Chiếc Mistral đầu tiên theo lịch dự kiến sẽ được giao vào tháng 10 tới - một thời điểm mà nay nhiều người cho rằng hoàn toàn không thể chấp nhận được, trong lúc tình hình Ukraina đang ngày càng trầm trọng.





Paris: Chưa đủ điều kiện giao tàu Mistral cho Nga
Anh Vũ
Đăng ngày 30-10-2014 Sửa đổi ngày 30-10-2014 15:10

Liên quan đến các thông tin Pháp bàn giao chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên đóng cho Nga, hôm nay 30/10/2014, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thông báo, các điều kiện để Pháp bàn giao tàu chiến Mistral « chưa hội đủ ».

Trên đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Michel Sapin đã khẳng định : « Hiện nay các điều kiện vẫn chưa hội đủ » để giao tàu Mistral, trong khi đó vào hôm qua phía Nga cho biết đã sẵn sàng nhận chiến hạm mang trực thăng này vào giữa tháng 11 tới đây.

Vậy các điều kiện ở đây là gì ? Bộ trưởng Tài chính Pháp giải thích đó là tình hình tại Ukraina phải theo hướng trở lại bình thường, giảm căng thẳng mà trong đó Nga đóng vai trò tích cực.

Hôm qua (29/10), Phó thủ tướng Nga Dmitri Rogozine đã đăng trên tài khoản Twitter cá nhân thông báo tập đoàn công nghiệp hàng hải quốc phòng của Pháp đã có thư mời phía Nga ngày 14/11 tới đến cảng Saint – Nazaire , nơi đóng tàu chiến Mistral theo đơn đặt hàng của Nga từ năm 2011, để bàn giao chiếc Mistral đầu tiên và dự lễ hạ thủy chiếc thứ 2 đang hoàn thiện.

Trước đó một hôm, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian cũng đã cho biết Tổng thống Pháp François Hollande trong tháng 11/2014 sẽ ra quyết định về việc bàn giao tàu Mistral cho Nga.

Do diễn biến khủng hoảng Ukraina với sự can dự của Nga, hợp đồng đóng hai chiếc tàu chở trực thăng Mistral của Pháp với Nga đã gặp nhiều trục trặc khi đã đi vào giai đoạn cuối. Nhiều nước trong NATO đã đề nghị Pháp hủy hợp đồng giao tàu Mistral cho Nga.

Tuy nhiên Matxcova đã cảnh báo Paris phải giao hàng đúng như hợp đồng không thì phải hoàn lại tiền. Với chính phủ Pháp, hủy hợp đồng đóng tàu chiến cho Nga trị giá 1,2 tỷ euros này là một việc không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế Pháp đang trong tình trạng khó khăn như hiện nay.

Paris cố gắng gắn việc giao tàu Mistral cho Matxcơva với tình hình khủng hoảng Ukraina. Trong khi thời hạn giao hàng theo hợp đồng đang cận kề, nhưng tình hình miền đông Ukraina không thấy có dấu hiệu cải thiện cũng như lập trường của Nga về khủng hoảng Ukraina không có gì thay đổi.






Nga thông báo tìm được thỏa thuận với Pháp về vụ hủy giao tàu chiến Mistral
RFI
Đăng ngày 31-07-2015 Sửa đổi ngày 31-07-2015 14:59

Tối qua, 30/07/2015, hãng thông tấn Nga Ria Novosti, đưa tin, sau nhiều tháng đàm phán, Matxcơva thông báo đã đạt được thỏa thuận với Paris về việc đền bù do hủy hợp đồng giao 2 tàu chiến Mistral cho Nga. Theo báo chí Nga, mức đền bù này có thể lên tới 1,2 tỷ euro.

Ông Vladimir Kojine, cố vấn của Tổng thống Nga, phụ trách hợp tác quân sự và kỹ thuật, được hãng tin Ria Novosti trích dẫn, cho biết : « Các cuộc thương lượng đã hoàn tất, tất cả đã được quyết định, bao gồm thời hạn và tổng số tiền đền bù ».

Nhật báo Nga Kommersant, dẫn lại nhiều nguồn tin xin ẩn danh, tiết lộ : Paris sẽ phải đền bù cho Matxcơva khoảng 1,6 tỷ euro.

Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Pháp, công ty phụ trách xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroexport, cũng như văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogzine, tất cả đều không khẳng định với AFP về nội dung tuyên bố của ông Kojine cũng như thông tin của tờ Kommersant.

Việc kiện tụng giữa hai nước đặt Paris vào tình thế khó xử, giữa một bên là các lợi ích kinh tế và bên kia là ý muốn buộc Matxcơva phải thay đổi lập trường trong hồ sơ khủng hoảng Ukraina.

Trong bối cảnh phương Tây trừng phạt kinh tế Nga do cáo buộc Matxcơva dính líu đến cuộc khủng hoảng Ukraina, vào tháng 11/2014, nước Pháp buộc phải hủy bỏ hợp đồng giao tàu chiến Mistral cho Nga. Các cuộc thương lượng về đền bù thiệt hại do hủy hợp đồng đã kéo dài từ nhiều tháng qua.

Cho đến nay, Paris mới chỉ đề nghị thanh toán lại 785 triệu euro mà Matxcơva đã ứng trước. Nhưng Nga đưa ra con số hơn 1,1 tỷ euro tiền đền bù thiệt hại vì phải tính đến cả những chi phí đã đào tạo hơn 400 thủy thủ, xây dựng các cơ sở hạ tầng tại Vladivostok ở vùng Viễn Đông, theo dự tính là căn cứ đón tiếp chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên, cũng như việc chế tạo 4 trực thăng chiến đấu.

Một chủ đề khác gây bất đồng giữa hai nước : Đó là việc Nga từ chối mọi khả năng Pháp tái xuất khẩu tàu chiến Mistral cho một nước khác, trước khi Paris thanh toán xong tiền đền bù thiệt hại. Theo báo Kommersant, hiện nay, mỗi tháng, Paris phải tốn kém 5 triệu euro cho việc bảo trì các tàu Mistral đang neo đậu tại cảng của Pháp.
Theo nguồn tin Nga, có thể thỏa thuận đền bù sẽ được ký kết trong những ngày đầu tháng Tám tới.

Chiếc tàu Mistral đầu tiên, mang tên Vladivostock, lẽ ra được giao cho Nga vào giữa tháng 11/2014 và tàu thứ hai, Sébastopol, vào mùa thu năm nay 2015.

Hợp đồng đóng tàu chiến Mistral cho Nga được ký hồi tháng 06/2011, dưới thời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, với tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ euro.

Được đóng tại cảng Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp, tàu Mistral là chiến hạm đa năng, có thể chở trực thăng, xe tăng hoặc tàu đổ bộ, đón tiếp ban tham mưu và cả một bệnh viện.





Pháp : « Cần bán hai chiến hạm Mistral, tình trạng tốt »
Thụy My
Đăng ngày 07-08-2015 Sửa đổi ngày 07-08-2015 15:44

Giải quyết vụ kiện tụng mua bán với Nga xong, nước Pháp sẽ lao vào tìm kiếm một hay nhiều khách hàng bỏ tiền ra mua hai chiến hạm Mistral, mà Hải quân Pháp không có phương tiện lẫn ý định giữ lấy. Các chuyên gia và viên chức đều khẳng định như trên.


Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua khẳng định hai chiến hạm đa năng hiện đại này, được Pháp đóng theo đơn đặt hàng của Nga, « được nhiều nước chú ý và sẽ tìm được khách mua không khó khăn gì». Hai chiếc Mistral, bị ngưng không giao cho Nga do vai trò của nước này trong cuộc xung đột Ukraina, từ nay « hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nước Pháp » - Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh.

Theo thỏa thuận hôm qua, Paris sẽ bồi hoàn cho Matxcơva số tiền đã ứng trước (dưới 1 tỉ euro, theo ông Le Drian), « và nay muốn bán càng nhanh càng tốt ».

Giải pháp đơn giản nhất là Hải quân Pháp vốn đã sở hữu ba chiếc Mistral, nhận thêm hai chiếc mới. Nhưng một sĩ quan chuyên về các chương trình vũ khí muốn giấu tên nói với AFP : « Với ngân sách hạn hẹp như hiện nay, quân đội Pháp hoàn toàn không có lợi. Giữ lại hai chiến hạm này, có nghĩa không chỉ trả tiền mua, mà còn phải đưa vào hoạt động, thành lập thủy thủ đoàn, hộ tống và duy tu. Chủ yếu là vấn đề tài chính thôi, cho nên dứt khoát phải bán đi ».

« Thật hết sức đáng tiếc » - Đô đốc Alain Coldefy, cựu Tổng thanh tra quân đội tiếc rẻ. « Bởi vì đây là các chiến hạm siêu hiện đại, nhưng thôi…Hải quân Pháp đã có ba chiếc, không thể mua thêm hai Mistral nữa ».

Trước khi chủ sở hữu là tập đoàn đóng tàu DCNS có thể nghiêm chỉnh tìm kiếm khách hàng mới, cần phải bắt đầu với việc « phi xô-viết hóa » chiến hạm vốn được đóng theo yêu cầu cụ thể của Hải quân Nga. Có nghĩa là phải tháo gỡ các trang thiết bị, thay đổi hệ thống viễn thông, thay đổi giao diện hệ thống vi tính sử dụng chữ Nga, và tất cả tài liệu.

Hồi tháng Hai, Tổng giám đốc DCNS, ông Hervé Guillou nhận định chi phí để sửa chữa siêu chiến hạm này cho phù hợp với khách hàng mới, có thể tốn kém từ hàng chục đến hàng trăm ngàn euro tùy theo nhu cầu.

Đô đốc Alain Coldefy nói : « Việc tháo gỡ các trang bị kiểu Nga không là vấn đề lớn. Người Nga có lẽ đã kéo dài thời gian, cố gắng chiếm đoạt tất cả những gì có thể, học được tối đa công nghệ, như thường lệ. Họ nói rằng họ tự sản xuất được các chiến hạm loại này, nhưng thực tế họ tụt hậu rất xa ».

Giả thiết này, theo thông tín viên nhật báo Le Figaro ở Matxcơva, không phải là không có cơ sở. Giám đốc bộ phận hợp tác kỹ thuật quân sự hàng hải Nga, Alexei Diki cho biết, hợp đồng dự kiến chuyển giao ba công nghệ hiện đại của Pháp, trong đó có công nghiệp lắp ráp các bloc lớn, còn hai công nghệ khác ông này từ chối tiết lộ.

Le Figaro nói thêm, sở dĩ Pháp và Nga nhanh chóng thỏa thuận được một cách « hữu nghị » như vậy, là do giải quyết sớm thì đôi bên cùng có lợi. Kinh tế đang lao dốc nên ông Putin cần tiền, bên cạnh đó Hải quân Nga lâu nay cũng không muốn mua chiến hạm của Pháp. Và thỏa thuận này còn phải được đặt trong bối cảnh địa chính trị chung.

Một khi tháo gỡ trang bị trả cho phía Nga xong, cần phải tìm kiếm khách hàng mới. Nếu kỹ năng của Pháp trong lãnh vực này đã quá rõ, và nếu « khá nhiều nước đã tỏ ra thích thú trước Mistral » - như Bộ trưởng Le Drian khẳng định, thì thật ra người muốn mua nghiêm túc không nhiều.

Theo IHS Jane’s, nhu cầu thế giới đối với loại chiến hạm hiện đại này trong những thập kỷ tới sẽ là 26 chiếc. Nhưng chỉ có năm đến sáu quốc gia, đứng đầu là Canada, Ấn Độ và Brazil vừa có đủ năng lực tài chính, quân sự lẫn kỹ thuật để mua và tận dụng hết các công năng của Mistral.

Ông Coldefy giải thích : « Phải tìm ra được những nước có ý hướng can thiệp trên thế giới, muốn phô trương hình ảnh của mình. Các nước này phải có đủ phương tiện tự thưởng cho mình các chiến hạm tối tân hàng đầu như thế. Và cần phải có các thủy thủ được đào tạo tốt, mà điều này không dễ dàng ».

Còn theo nhà phân tích Ben Moores của IHS Jane’s, bên cạnh đó còn phải « kiềm chế được sự đối kháng của các lực lượng vận động hậu trường có liên quan đến các công ty đóng tàu trong nước. Ngày nay, hầu như mọi người đều tự đóng tàu, đó là niềm hãnh diện của quốc gia : ‘‘Chúng tôi đã tự đóng lấy các chiến hạm đấy’’ ».

Ông Moores nói thêm : « Rồi Pháp sẽ bán được hai chiếc Mistral ấy thôi, nhưng phải hạ giá xuống rất thấp để thu hút. Có thể phải mất nhiều năm ».

Đối với chuyên gia vũ khí Philippe Migault thuộc trung tâm tư vấn Iris : « Cuối cùng, vụ này sẽ làm Pháp thiệt hại khoảng một, hai tỉ euro. Chúng ta phải gánh lấy các chiến hạm đang phải neo đậu, mà chỉ riêng việc bảo trì thôi cũng tốn từ một đến năm triệu euro mỗi tháng. Thú thật, đây không phải là vị thế tốt nhất để bắt đầu thương lượng với các khách mua tiềm năng… ».

Hãng thông tấn Tass của Nga hôm qua cho rằng « Ấn Độ, Brazil và Việt Nam có thể mua Mistral ». Tass dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Ruslan Pukhov nhận định, Ấn Độ lâu nay vẫn muốn mua và đóng các chiến hạm loại này để trang bị cho Hải quân của mình. Việt Nam là nước có tỉ lệ tăng trưởng khá cũng quan tâm, còn Brazil có thể mua nếu Pháp đưa ra mức giá hấp dẫn. Nhật báo La Croix kể thêm Ai Cập, Algérie và cho rằng tuy với Nga, hướng xuất khẩu thiết bị quân sự nay đã bế tắc, nhưng bù lại Pháp đã đạt được những hợp đồng lớn khác như bán chiến đấu cơ Rafale cho một số nước.





Mistral : Pháp khẳng định mức bồi thường cho Nga thấp hơn 1,2 tỉ euro
Minh Anh
Đăng ngày 06-08-2015 Sửa đổi ngày 06-08-2015 18:37

Paris và Matxcơva cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga. Theo thông báo của điện Elysée ngày 05/08/2015, Pháp sẽ có « toàn quyền sở hữu và sử dụng » hai chiến hạm không giao cho Nga. Phía Paris cũng khẳng định mức bồi thường cho Matxcơva sẽ thấp hơn 1,2 tỉ euro như là báo chí Nga loan báo những ngày gần đây.

Thông tin trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian xác nhận hôm nay. Theo thông tín viên RFI tại Matxcơva, để đạt được thỏa thuận nói trên đôi bên đã phải mất nhiều tháng thương lượng, nhất là về khoản bồi thường.

« Những lần trì hoãn của điện Elysée về hồ sơ này từ lâu đã tạo ra nhiều tin đồn. Bất chấp tầm quan trọng của hợp đồng đầu tiên, trị giá đến 1,2 tỉ euro, ông François Hollande cuối cùng đã từ chối bán hai chiến hạm như đã hứa với Nga : Chiếc đầu tiên là Vladivostok, lẽ ra phải được giao vào tháng 11/2014, và chiếc thứ hai, mang tên Sébastopol, vào mùa thu năm nay.

Điện Elysée và Kremli cuối cùng đã có được thỏa thuận. Paris sẽ thu hồi lại « toàn quyền sở hữu » hai chiến hạm sau khi đã bồi thường hết cho Matxcơva. Tiền bồi thường, chính hồ sơ gai góc này đã được dàn xếp trong hậu trường cho đến nay.

Cả hai bên cùng xác nhận là vụ việc đã được xử lý. Theo điện Elysée, Nga sẽ được « đặc biệt bồi hoàn nguyên vẹn khoản tiền ứng trước cho hợp đồng » và « các trang thiết bị được lắp đặt trong chiến hạm sẽ được hoàn trả ». Tuy nhiên, các thông cáo không đề cập đến các khoản bồi thường thiệt hại, mà phía Nga có nhắc đến thời gian đầu.

Về phần mình, điện Kremli xác nhận Pháp đã hoàn trả khoản tiền mà Nga đã ứng trước ».

No comments:

Post a Comment