Monday, March 16, 2015

Vấn đề tranh chấp đảo với Trung Quốc

Vấn đề tranh chấp đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề tranh dành lãnh thổ để sinh tồn giữa hai quốc gia.



Trung Quốc tìm cách bung ra biển nhưng ở phía Bắc, Trung Quốc đụng phải Nhật và Nam Hàn là hai nước có lực lượng quân sự mạnh nên Trung Quốc không thể dùng quân sự mà lấn át mà chỉ dùng áp lực kinh tế đến mức nào đó. Ba nước Nhật, Nam Hàn và Phillipines là đàn em của Mỹ nên Trung Quốc khó đụng đến. Mỹ có ký hiệp ước với ba nước này nên nếu các nước này bị Trung Quốc tấn công thì Mỹ sẽ nhảy vào vòng chiến ngay. Viên chức ngoại giao và quân sự Mỹ nhiều lần công khai tuyên bố là nếu có đụng độ giữa Nhật và Trung Quốc thì Mỹ chắc chắn sẽ bênh Nhật vì hai nước đã có ký kết với nhau.

Trung Quốc chỉ còn cách bành trướng ở phía Nam, vùng Hoàng Sa, Trường Sa vì Việt Nam là đàn em của Trung Quốc. Mỹ không thể khi không đem quân chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Việc đó phải để cho Việt Nam làm. Mà Việt Nam thì không làm việc này. Trung Quốc bành trướng được ra biển Đông là nhờ thời xưa dùng cách mạng quốc tế vô sản để bành trướng nên ngày nay có đàn em là CS Việt Nam trung thành với Trung Quốc.

Nếu Mỹ muốn ngăn chận Trung Quốc bành trướng ở biển Đông thì phải kéo Việt Nam ra ngoài quĩ đạo của Trung Quốc. Nghĩa là phải có một lớp lãnh đạo Việt Nam có tinh thần độc lập tự chủ thật sự, dám đương đầu với Trung Quốc.

Ngay cả khi Việt Nam muốn ngăn cản Trung Quốc bành trướng thì Việt Nam cũng không đủ sức vì không có sức mạnh về kinh tế, quân sự để đương đầu với Trung Quốc. Việt Nam yếu vì bao nhiêu năm qua có nội chiến rồi lại cùng với Liên Xô bành trướng ở Đông Dương cho đến khi bị Liên Xô bị cắt viện trợ năm 1986 mới chịu ngưng. Chiến tranh liên miên làm Việt Nam bị kiệt quệ, yếu cả về kinh tế lẫn quân sự. Nguyên nhân là vì Việt Nam đã tham gia vào chiến tranh cách mạng vô sản mà Liên Xô, Trung Quốc đã phát động ra. Đảng CSVN đã đi sai một nước cờ vào năm 1960 khi quyết định đánh chiếm miền Nam và hậu quả để lộ ra hàng chục năm sau đó.


Nội chiến làm quốc gia suy yếu là điều ông Trần Đức Thảo đã nhìn thấy từ trước. Ông Trần Đức Thảo kể lại trong cuốn sách Trần Đức Thảo: Những Lời Trăng Trối là năm 1964, ông Hồ Chí Minh có gọi ông Trần Đức Thảo đến để trình bày ý kiến của ông Trần Đức Thảo về cái hại, cái lợi của chiến tranh và hòa bình. Ông Trần Đức Thảo dù biết là lúc đó đảng CSVN đang tiến hành chiến tranh đánh miền Nam nhưng vẫn nói là không nên theo đuổi đường lối chiến tranh. Theo ông Trần Đức Thảo thì chiến tranh sẽ làm cho các bên bị tàn phá và suy yếu, dù bất cứ bên nào thắng. Ông Trần Đức Thảo đưa ra thí dụ các nước châu Âu vì đánh nhau trong Đệ Nhị Thế Chiến nên sau đó bị suy yếu, không còn là cường quốc hàng đầu trên thế giới nữa. Điều ông Trần Đức Thảo nói, mấy chục năm sau đã trở thành sự thật.

Vấn đề Trung Quốc bành trướng trên biển Đông không phải là vấn đề giữa tư bản và cộng sản mà là vấn đề giữa các quốc gia. Đài Loan cũng cho rằng chủ quyền trên biển của Trung Hoa xác định bởi đường chín khúc chữ U. Cái bản đồ đường chín khúc chữ U đó do ông Bai Meichu năm 1936 vẽ và đem in. Bản đồ này được công nhận bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1946, trước khi Cộng Sản Trung Quốc lên nắm chính quyền. Vì thế giả sử Tưởng Giới Thạch không thua Cộng Sản vào năm 1949 mà vẫn tiếp tục cầm quyền tại Bắc Kinh thì Trung Quốc dù dưới sự cai trị của bất cứ đảng nào cũng vẫn có thể mang tham vọng bành trướng ra biển Đông và Việt Nam cũng vẫn phải đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. 

Ông Bai Meichu, người vẽ bản đồ có lãnh hải xác định bởi chín khúc hình chữ U và đem in năm 1936
Bản đồ do ông Bai Meichu vẽ

Bản đồ có đường chín khúc được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (RoC, Republic of China) dưới sự  lãnh đạo của Trưởng Giới Thạch in năm 1948

Chủ nghĩa quốc tế vô sản chỉ là phong trào nhất thời trên thế giới được một số nước đi theo. Việt Nam là một trong những nước chẳng may tham gia vào phong trào này và đang chịu hậu quả tai hại của nó. Sự tranh chấp giữa các quốc gia vẫn còn kéo dài và nó mạnh hơn tình quốc tế vô sản.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment