Friday, April 25, 2014

Lenin và chủ thuyết bạo lực cách mạng của ông

Hôm nay nhân ngày sinh của Lenin, một nhân vật có ảnh hưởng sâu xa đến xã hội Việt Nam hiện tại, tôi tìm lại bài viết “Bài học Miến Điện” đăng trên trang web BBC Việt ngữ vào ngày 1/10/2007, sau sự kiện người dân Miến Điện xuống đường tuần hành phản đối giá xăng và nhiên liệu tăng cao vào năm 2007. Lý do là vì trong bài viết ấy tôi đã nhắc nhiều đến Lenin và chủ thuyết bạo lực cách mạng của ông.

Nhân tiện xin kể các bạn nghe một kỷ niệm đáng nhớ về bài viết ấy. Độ hơn một tuần sau khi “Bài học Miến Điện” được đăng trên BBC, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, mà tôi là thành viên với tư cách Phó Chủ nhiệm, đã triệu tập một phiên họp bất thường vào chiều muộn. Tôi đến trước giờ, ngồi trò chuyện với các đồng nghiệp. Đúng giờ, vị luật sư Chủ nhiệm bước vào, kéo ghế ngồi và để tập tài liệu lên bàn, cạnh tôi. Tôi liếc nhìn, nhận ra bản sao bài viết của mình lẫn trong các tài liệu đó. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành.

Quả nhiên, nội dung chính của phiên họp là kiểm điểm và cảnh cáo tôi vì bài viết ấy, theo yêu cầu của “ai đó”, với lý do mơ hồ là “quan điểm không rõ ràng” được truyền bá vào “thời điểm rất nhạy cảm”. Biên bản kiểm điểm kết thúc với lời cảnh cáo rằng nếu tiếp tục viết theo cách đó sẽ bị cách chức Phó Chủ nhiệm và có thể cấm hành nghề luật sư vĩnh viễn.

Sau buổi họp dài, bước ra ngoài sân, nhìn bầu trời đêm đầy sao, tôi căng lồng ngực hít một hơi sảng khoái và mỉm cười một mình. Bỗng một vị luật sư đàn anh, cùng là thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, bước đến bên cạnh, vỗ vai tôi nói: “Ông viết kiểu đó khác nào chửi cha người ta, làm sao họ chịu nổi!” Tôi quay lại, cả hai cùng nhìn nhau rồi bật cười ha hả. Vị này nói thêm: “Họ tức lắm, đòi kỷ luật ông nặng hơn, nhưng Ban Chủ nhiệm nói cảnh cáo là đủ rồi!” Tôi thầm cám ơn anh em đồng nghiệp bảo vệ mình.

Trở lại nhân vật Lenin. Vào năm thứ nhất trường luật, khi tôi 17 tuổi, quyển sách đầu tiên nhà trường bắt sinh viên đọc và thảo luận là tác phẩm “Nhà nước và Cách mạng” của Lenin. Từ thầy đến trò, tất cả đều tán tụng “thiên tài vĩ đại của mọi thiên tài” (!?). Tôi cũng đọc, chậm rãi, không bình luận gì công khai, nhưng nhận ra những luận điểm vừa sai lầm, vừa gượng ép trong đó. Dù vậy, do thận trọng với nhận định của mình, tôi đến nhà sách và mua luôn nguyên bộ “Lenin Toàn Tập”, gần 60 quyển rất dày, in đẹp, để nghiên cứu kỹ hơn. Nhà sách Fahasa, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, đã cho xe tải nhỏ giao sách tận nhà, vì lâu lâu mới có người mua bộ sách này.

 Lê Nin Toàn Tập

Tôi bỏ ra 3 năm đầu trường luật để đọc hết hàng chục quyển ấy. Vừa đọc, vừa đối chiếu cả Karl Marx và Engels. Đặc biệt, nhờ vậy tôi có dịp đọc một cách có hệ thống toàn bộ triết học Tây phương thông qua các sách triết in trước năm 1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Đúng lúc đọc xong quyển sách cuối cùng trong bộ “Lenin Toàn Tập”, sự kiện Đông Âu năm 1988 diễn ra, tất cả cùng xác nhận với tôi rằng Chủ nghĩa Lenin chẳng qua chỉ là mớ lý luận chắp vá và phi logic, nhằm mục đích duy nhất là tập hợp lực lượng để cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực mệnh danh “cách mạng”.

 Cách Mạng Tháng Mười, Cung Điện Mùa Đông

Trước kia, Tưởng Giới Thạch từng sang Liên Sô sống và làm việc 2 năm theo yêu cầu của Tôn Trung Sơn. Lúc trở về Trung Quốc, khoảng năm 1927, do đã chứng kiến thực chất xã hội Sô Viết ra sao, ông quyết định đoạn giao với những người cộng sản và tìm mọi cách ngăn chận sự truyền bá Chủ nghĩa Lenin tại Hoa lục, nhưng bất thành. Còn tôi, kết quả 3 năm đọc “Lenin Toàn Tập”, tôi cảm thấy kinh tởm cái gọi là “Chủ nghĩa Lenin”. Tôi không tin những người đang tán tụng chủ thuyết đó đã dành đủ thời gian đọc và hiểu thấu những gì tay đao phủ ấy viết ra và truyền lại.

Tưởng Giới Thạch

Do vậy, bây giờ có dịp xem nhiều bài lý luận về Chủ nghĩa Marx-Lenin đăng trên các tạp chí và báo chính thống, tôi thấy thương cảm cho những tay bồi bút và dư luận viên. Trong đầu óc họ, không có bao nhiêu hiểu biết đúng đắn về kẻ ngoại lai được tôn sùng như thể thánh Việt, mang họ Lê tên Nin (!). Thật ngán ngẩm đến mức không cần thiết tranh luận với họ.

Tháng 4/2010 ở trại giam Bộ Công An, tôi có làm bài thơ về Lenin, nhân đây viết ra để các bạn thưởng thức:

Viết nhăng, nói nhảm, tưởng cao minh,
Đao phủ quán quân giỏi trá hình.
Phẳng lấp tang thương đường cách mạng,
Ngập tràn cờ đỏ máu sinh linh.
Thỏa cơn loạn trí gieo nghèo đói,
Sùng thuyết vô luân đoạn nghĩa tình.
Nhân loại bàng hoàng vang cảnh tỉnh,
Khó nhòa bia miệng vạn đời khinh.


Lê Công Định
April 22, 2014


Bài học Miến Điện

Luật sư Lê Công Định
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
01 Tháng 10 2007

Sự kiện quân đội Miến Điện sử dụng vũ lực đàn áp những cuộc tuần hành hòa bình dẫn đầu bởi các vị sư dũng cảm một lần nữa minh chứng hùng hồn tính xác thực của lý thuyết bạo lực cách mạng của Lenin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Nga 1917.

Lenin nhận định rằng giai cấp thống trị ở mọi thời đại không dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực, dù họ đang ở thế yếu chăng nữa, trừ phi quần chúng dùng bạo lực cách mạng thách thức và lật đổ địa vị thống trị ấy.

 Các nhà sư Miến Điện biểu tình phản đối chính quyền, ngày 23-9-2007

Lenin cũng xác định rằng chính quyền là mục tiêu của mọi cuộc cách mạng và chỉ bằng cách giành chính quyền, thành quả cách mạng mới được bảo đảm. Gần 100 năm trôi qua, lý thuyết đó vẫn là bài học lớn về cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng.

Quyền lực chính trị thường gắn liền với lợi ích kinh tế. Chỉ nhờ vào quyền lực, giai cấp thống trị mới có thể khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia theo ý riêng của mình. Dù đóng vai trò chính trong quy trình tạo lập của cải xã hội, đại đa số quần chúng bị trị vẫn không thể can dự vào công việc hoạch định chuyện quốc kế dân sinh và phân chia lợi tức thu được từ hoạt động sản xuất chung của toàn bộ nền kinh tế.


Ngày 27-9-2007, quân đội ra tay đàn áp cuộc biểu tình của các nhà sư

Số đông người làm công nghèo khổ vẫn vật vã với đời sống khó khăn chồng chất trong khi giới cầm quyền và đám con ông cháu cha thì sống xa hoa và hưởng thụ. Từ phân tích thực trạng xã hội như vậy của nước Nga và tranh thủ sự bất mãn tột cùng của người dân Nga nghèo khổ, Lenin đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng cách mạng và tiến hành thành công cuộc Cách mạng 1917 lừng danh.

Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ ở Bắc Âu vào thời ấy. Giới vua chúa của những nước này đã chấp nhận chia sẻ quyền lực và tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội khác nhau cùng tham chính thông qua hiến pháp dân chủ và quốc hội đa thành phần. Mọi giới, không phân biệt quý tộc, địa chủ, tư sản hay thợ thuyền, thông qua các đảng phái khác nhau, đều có cơ hội đóng góp ngang bằng cho quốc gia, mà không cần dùng đến bạo lực cách mạng, vì chính quyền là của chung.

Tất nhiên, chia sẻ quyền lực luôn là quyết định đau đớn của giai cấp thống trị, vì ở Bắc Âu vương quyền đã tồn tại hàng trăm năm, không thể chuyển giao trong phút chốc dù họ là những bậc minh quân cấp tiến chăng nữa. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và thương lượng sóng gió, nhưng cuối cùng tư tuởng dân chủ của thời đại vẫn chiến thắng. Các chế độ quân chủ độc đoán nhờ vậy đã chuyển mình nhẹ nhàng sang thể chế dân chủ pháp trị, ít khốc liệt và ít trả giá hơn nếu so với nước Nga và thậm chí một số nước Tây Âu đương thời.

Bài học về chia sẻ quyền lực ấy đã được nhiều nước học hỏi, đặc biệt sau Đệ nhị thế chiến.

Nhật Bản là một ví dụ về sự thành công của việc chuyển đổi từ thể chế chính trị chuyên chế sang dân chủ. Tầm vóc và tầm nhìn của giới lãnh đạo Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn được lưu truyền và ca tụng đến tận ngày nay vì chính họ đã anh minh quyết định chia sẻ quyền lực kịp thời, giúp tạo mọi nguồn lực đưa nước Nhật đến địa vị siêu cường kinh tế từ hơn 5 thập kỷ qua.

Tiếc thay chính quyền độc đoán ở Miến Điện đã không còn đủ sáng suốt để nhận biết và học hỏi kinh nghiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình đáng quý nói trên ở Bắc Âu và Nhật Bản mà lại chọn giải pháp đàn áp bằng bạo lực thường thấy ở những thể chế độc đoán. Tất nhiên người dân Miến Điện rồi đây cũng sẽ được sống trong tự do dân chủ, song cái giá mà dân tộc Miến Điện phải trả sẽ khó lường và e rằng không nhỏ.

Bạo lực chỉ chuốc lấy oán hận. Oán hận chồng chất sẽ tạo nên những cơn địa chấn cách mạng không lường truớc, có thể làm sụp đổ bất kỳ vương triều nào, dù thoạt trông có vẻ vững chắc nhất. Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới tất phải đến vì dân chủ là nhịp thở của thời đại, là mạch đập của hàng triệu trái tim nhân loại và, quan trọng hơn, đó là lòng dân. Vấn đề chỉ còn là thời gian …


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk

bumar
Rất hay Bài viết của LS rất hay, hoàn toàn khách quan và phân tích rất chặt chẽ. Với tôi, thầy Thích Quảng Độ là thần tượng, Burma là niềm ước vọng về sự thay đổi trong tương lai để bằng quá khứ và với luật sư là niềm hy vọng một chính khách tương lai. Hãy đưa chúng tôi cùng đi lên nhé Luật sư.

Bạn đọc
Người Âu Mỹ có câu "Tất cả điều bạn cần biết, bạn đã học từ mẫu giáo". Càng lớn tôi càng thấy câu này đúng. Tất cả các vụ việc xảy ra tại Iraq, Miến điện, Việt Nam, đều có thể tóm gọn trong truyện ngụ ngôn "Con sói và con cừu non" của La Fontaine mà nhiều học sinh mẫu giáo đã nghe cô giáo đọc. Lý luận của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng, và lý trí của kẻ yếu không bao giờ là một áo giáp hiệu quả. Con sói muốn ăn thịt con cừu non, liền hỏi "tại sao mày làm dơ nước tao uống", con cừu trả lời "dạ, con ở hạ nguồn, làm sao làm dơ nước ông uống". Con sói vặn vẹo "vậy năm ngoái sao mày nói xấu tao", con cừu run sợ "dạ, năm ngoái con chưa sanh ra". Con sói nhảy dựng "vậy anh em mày nói xấu tao", con cừu khép nép "dạ, con không có anh em". "Vậy là bà con mày nói xấu tao", con sói gầm lên, và ăn thịt con cừu. Thôi thì tại Iraq, nào là "vũ khí giết người hàng loạt của Saddam, và Saddam giết 120 người", nhưng nay không tìm thấy gì cho dù xa vời, và hàng tuần chết hơn 120 người trong khi Saddam giết ngần ấy trong vài chục năm. Tại Miến điện thì do dân quậy phá, nên quân lính giết họ. Tại VN thì các người lên tiếng chống các việc làm HÔM NAY của chính quyền, thì bị vu cho có dính líu các vụ xảy ra, các chính quyền xảy ra, từ lúc họ chưa sanh ra như thời lộn xộn tại miền Nam vào thập niên 1960, và bị vu cáo sẽ đem VN lại thời kỳ đó, v.v... trong khi việc họ chỉ trích HÔM NAY thì hoàn toàn bị bỏ ngoài tai.

Vo, Quảng Nam
Cho góp ý câu "tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu là tạo lập nền dân chủ cho mình" ổn hơn.Tôi đã đọc các bài của LS Lê Công Định bàn về nhà nước pháp quyền XHCN và bài về báo chí tư nhân, mong được đọc bài báo của luật sư về điều 4 hiến pháp.

Tony, California
Anh Lê Công Định, lời lẽ của anh rất chí lý. Lấy cái mốc Miến Điện, VN chúng ta hảy nghiên cứu và học hỏi. Cái gì nên làm, cái gì không. Dân tộc VN muốn đòi lại được quyền Dân Chủ từ tay CSVN, thì chúng ta đương nhiên cũng phải trải qua những chặng đường này. Tự Do, Dân Chủ phải đòi mới có, không ai cho không chúng ta cả, ngươi dân Miến Điện đang phải trả giá cho quyển Tự Do Dân Chủ của mình, còn người dân VN thì sao?

Ẩn danh
Bài viết của anh Định mới hay làm sao. Dùng ngay lý luận của cộng sản để hạ gục cộng sản độc tài.

Quoc, Sài Gòn
Quan sát hình ảnh Miến Điện mà thấy lo ngại cho tình cảnh của người dân Việt Nam. Khao khát dân chủ nhưng không thể đấu tranh cho dân chủ, bởi vì nếu làm như vậy thì số phận của họ chẳng khác gì người dân và các nhà sư Miến Điện. Ở Việt nam, quân đội được xác định là phải "trung với ĐCS". Cho nên, có bất cứ biến động nào xảy ra, đây là công cụ đáng sợ nhất mà ĐCSVN sẽ sử dụng để bảo vệ quyền lực và cả quyền lợi cho mình. Năng lực yếu kém và thiếu đạo đức, nhưng ĐCSVN sẽ khó mà tự nguyện từ bỏ quyền lợi có được từ sự thống trị độc đoán của mình.

Ngài chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chẳng phải đã cảnh báo là ĐCS sẽ tự sát nếu bỏ điều 4 Hiến Pháp (quy định về sự thống trị của ĐCSVN) đó sao? Hiện nay, bao nhiêu yếu kém, khó khăn, thất bại về kinh tế ĐCSVN đều đổ cả lên đầu người dân. Nếu có thành công thì ĐCSVN là cho rằng do sự chỉ đạo sáng suốt của mình. Mỗi khi xã hội phát hiện đảng viên tiêu cực, tham nhũng thì ĐCSVN đổ lỗi cho cá nhân đảng viên, chứ bản thân ĐCSVN không hề có lỗi. Ngụy biện là đặc trưng cố hữu của ĐCSVN hiện nay để củng cố cho sự độc tài của mình. Vì vậy, muốn có dân chủ, VN cần phải có một cuộc cách mạng thực sự. Nếu không, người dân VN sẽ muôn đời làm nô dịch để cung phụng cho một bộ phận luôn tự tung hô mình là "vạn tuế" (quang vinh muôn năm).

Dang, Hải Phòng
Chào anh Định. Đã lâu rồi nay lại được đọc bài viết của anh. Ước vọng dân chủ, tự do, nhân quyền, ... của anh càng lớn hơn cho dân tộc. Tôi rất thích những bài viết của anh vì các bài của anh khó bác lại.

Kim Nguyen, Texas
Mong rằng những nhà lãnh đạo đất nước Việt Nam cùng chia xẻ quan điểm với Luật Sư Lê Công Định. Rất cám ơn luật sư. 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/10/071001_burma_lessons.shtml

No comments:

Post a Comment