Saturday, January 19, 2013

Đừng nói rằng có kẽ hở

Ông Bùi Kiến Thành nói:

"Chúng ta phải áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh thôi. Đừng nói rằng có những kẽ hở, chúng ta chưa thấy kẽ hở nào cả. Tất cả mọi chuyện là các ông làm trái luật chứ không phải là chuyện kẽ hở."


Các “quả đấm thép” và núi nợ khổng lồ

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-01-18

Trước núi nợ 1,3 triệu tỷ đồng của các tập đoàn tổng Công ty Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trấn an các “quả đấm thép” của nền kinh tế là “Không thể để tác động này khác của dư luận làm chúng ta dao động”.

Chẳng thấy kẽ hở chỉ thấy làm sai luật?

Hầu hết các báo mạng chính thống của Việt Nam đều đưa tin về buổi làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào sáng 16/1 tại Hà Nội. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện nay tổng số nợ phải trả của các “quả đấm thép” lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, lỗ phát sinh 2.253 tỷ đồng và khoảng 10 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế tổng cộng 17.730 tỷ đồng tính đến cuối năm 2012.

Nếu làm một phép tính đơn giản thì số nợ hơn 1,3 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước tương đương 60 tỷ USD, tức gần một nửa tổng sản phẩm quốc dân GDP 2012 của Việt Nam. Núi nợ khổng lồ của các “quả đấm thép” chủ đạo nền kinh tế được đánh giá như thế nào về mức độ an toàn. Trả lời Nam Nguyên, chuyên gia kinh tế Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định:

“Theo góc độ an toàn thì căn bản làm ăn có hiệu quả hay không mới là vấn đề quan trọng. Cái đó dù ở mức dư nợ chiếm 15%-20% hoặc 30% không đến ngưỡng cho phép, nhưng nếu làm ăn không hiệu quả thì  chắc chắn mức độ an toàn rất là thấp. Ngược lại trong bối cảnh tình hình hiện nay các tập đoàn kinh tế của Việt Nam làm ăn rất kém hiệu quả, mức độ này cần được báo động tới sự an toàn của hệ thống nợ trong nền kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.”

Cuộc họp ngày 16/1 ở Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn có các Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và lãnh đạo của 9 tập đoàn kinh tế, 114 tổng công ty. Các báo mạng chính thức đã không ngần ngại khi sử dụng nhóm từ “quả đấm thép của nền kinh tế” hàm ý khá mỉa mai. Tiền Phong Online đặt tựa “Quả đấm thép” báo cáo Thủ tướng lỗ nghìn tỷ, nợ triệu tỷ. VnExpress giật tít từ phát biểu của Thủ tướng “Tham nhũng làm xấu hình ảnh tập đoàn”. Trong khi đó VietnamNet cũng trích lời Thủ tướng nói là, sau những Vinashin Vinalines người ta hỏi còn Vina nào nữa”.

Tuổi Trẻ Online trích lời bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nhận định rằng cần xem xét xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý cấp trên lẫn lãnh đạo doanh nghiệp bị lỗ liên tiếp. Theo đó, dù ở số lượng nào thì đây cũng là gánh nặng lớn, bởi ở các nước khác họ tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Mọi sự che đậy dễ dẫn  đến Vinashin thứ hai.

Trả lời chúng tôi, chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành đưa ra khuyến cáo:

“ Tôi thấy không khó khăn gì, chúng ta phải áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh thôi. Đừng nói rằng có những kẽ hở, chúng ta chưa thấy kẽ hở nào cả. Tất cả mọi chuyện là các ông làm trái luật chứ không phải là chuyện kẽ hở.”

Càng nhiều đảng viên càng tệ

Theo VietnamNet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận người dân có quyền đặt ra câu hỏi sau Vinashin Vinalines liệu còn thêm Vina nào nữa. Thủ tướng nói ông hết sức buồn vì trong cách mạng tháng Tám chỉ có 5.000 đảng viên mà vẫn giành thắng lợi, còn ngày nay Tập đoàn Vinashin có tới 6.000 đảng viên nhưng mà tê liệt, đầu tư tràn lan, làm trái pháp luật một thời gian dài mà bản thân Thủ tướng không được phản ánh của bất kỳ đảng viên nào. Thậm chí Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình còn được bầu vào hết cấp ủy này đến cấp ủy khác.

Thủ tướng đưa thêm trường hợp Vinalines, mấy nghìn đảng viên mà vẫn làm sai làm trái như thế. Người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Theo Thủ tướng Doanh nghiệp Nhà nước đi liền với tiêu cực, phạm pháp, tham nhũng, đội ngũ đảng viên rất lớn, vậy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên ở đâu.

Trong bài “Tham nhũng làm xấu tập đoàn” của VnExpress, người đọc có cảm giác Thủ tướng muốn biện minh cho việc các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan, đặc biệt vào bất động sản gây ra một cuộc khủng hoảng nợ khi thị trường này đóng băng. Theo đó Thủ tướng quan niệm đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp không sai luật nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả. Vẫn theo VnExpress, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói với các “quả đấm thép” rằng: “Xã hội hiện nay đòi hỏi đề cao tính minh bạch, kết quả kinh doanh hàng năm phải có kiểm toán và công bố công khai. Nếu hiệu quả thì nói hiệu quả, lỗ thì phải nói lỗ, không được che giấu.”

Nhận định về nhu cầu công khai minh bạch trong các hoạt động kinh tế tài chánh ở Việt Nam, PGSTS Ngô Trí Long phát biểu:

“Chủ trương mục đích hoàn toàn công khai minh bạch là cần thiết, nhưng việc làm thì còn phải được hoàn thiện. Trên thực tế hiện nay chính việc chưa thực sự công khai minh bạch nên đã dẫn đến những hậu quả vừa qua. Cho nên tôi nghĩ trong thời gian tới, hướng cải cách cũng như sự giám sát sẽ chặt chẽ hơn. Còn nếu cứ để như thực trạng thời gian vừa qua cũng như hiện tại, tính công khai minh bạch không được rõ ràng mà nó vẫn còn như ở trong một cái hộp kín, thì chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả sau này.”

Theo các báo mạng chính thống, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra câu hỏi: “ Doanh nghiệp thiếu hiệu quả, vốn chủ sở hữu tăng thấp, một số nơi tài chính thiếu lành mạnh…có phải co nguyên nhân vĩ mô, hay do điều hành, do lãnh đạo làm trái?”

Đối với kế hoạch năm 2013, theo VnExpress, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận có vấn đề “không ổn” khi chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn nhưng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lại đăng ký các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách…đều giảm so với năm 2012.

Sự không ổn về kế hoạch kinh tế 2013 của Việt Nam, được Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích:

“Dự báo 2013 thì Việt Nam gặp một loạt những thách thức khó khăn mà đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý rất cụ thể. Thách thức thứ nhất là lạm phát có khả năng vẫn còn tiềm ẩn. Thứ hai là nợ xấu vẫn ở mức cao. Thứ ba là hàng tồn kho lớn đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản gây một ách tác rất lớn. Thứ tư thì niềm tin vào thị trường cũng đã giảm thấp. Thứ năm là các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn và sức mua giảm xuống rất thấp. Vấn đề cuối cùng là Việt Nam còn chịu áp lực đột biến của thế giới với tác động mạnh mà sức chịu đựng thì chưa cao, phản ứng chưa cao.

Trong những vấn đề đó đặc biệt việc giải quyết nợ xấu còn bất cập và nó ảnh hưởng tới tái cơ cấu ngân hàng, mà tái cơ cấu ngân hàng là một trong những nội dung quan trọng của hệ thống tái cơ cấu của Việt Nam. Cho nên trong năm 2013 Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Tuy nhiên trước vấn đề đó thì chính phủ Việt Nam đã ra Nghị quyết 01 Nghị quyết 02 để xử lý với các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát.”

Cùng ngày 16/1 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp bàn với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Đất Việt Online trích ý kiến chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng, kinh tế Việt Nam năm 2013 là lẫn lộn giữa hy vọng và bất định. Tình hình tùy thuộc rất nhiều vào tiến độ tái cấu trúc, nếu cải cách được sẽ khá lên, nếu không cải cách hiệu quả sẽ còn khá nhiều vấn đề. Vẫn theo TS lê Đăng Doanh, 2013 sẽ là một năm đầy biến động, một năm của sự tái cấu trúc cải cách. Kinh tế thế giới còn nhiều điều khó lường rủi ro. Đối với kinh tế Việt Nam, điều khó khăn nhất  trong năm 2013 là vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết đến đâu. Đóng băng tín dụng có thể được giải quyết đến mức độ nào.    

No comments:

Post a Comment