Monday, October 15, 2012

Chu Công mỉm cười

Cách nay 3.000 năm, Chu Công là một tấm gương chói sáng ở nước Trung Hoa cổ đại. Là một nhân cách mẫu mực, ông là người đặt ra triết lý về thiên tử hòa hợp với đạo Trời. Chính Khổng Tử đã tiếp thu và phát triển triết lý này của Chu Công.

Ngày nay, triết lý Chu Công giúp lấp vào lỗ hổng lý luận ở Trung Quốc mà cố Chủ tịch Mao Trạch Đông để lại.


Thầy của Khổng Tử

“Chu Công trị nước bằng chính đức độ của mình có thể ví như Bắc Đẩu Tinh lúc nào cũng đứng yên một chỗ để những vì tinh tú khác hướng về,” Khổng Tử đã từng viết như thế cách nay 2.500 năm.

Khi Khổng Tử đặt bút viết những lời này, trong đầu ông là hình ảnh của Chu Công, nhân vật có lẽ là người thực đầu tiên bước qua ngưỡng huyền thoại để đi vào lịch sử Trung Quốc.

“Đức Khổng Tử đã từng cảm thán: ‘Về chính trị ta chỉ theo bước của Chu Công’,” nhà khảo cổ Vương Thao nói.

“Tôi tin chắc rằng Ngài rất muốn khôi phục lại cái gọi là ‘thời đại hoàng kim’, hay thời thịnh trị của nhà Chu, nhất là dưới thời của Chu Công,” ông nói thêm.

Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, trong khi Âu châu có Socrates thì Trung Quốc cũng có Khổng Tử. Cả hai nhà hiền triết này đều đã suy tư rất nhiều về đạo đức và về mối quan hệ phải đạo giữa con người và quốc gia.

Cũng như hầu hết người dân Trung Quốc, chúng ta thường cho rằng Khổng Tử là người lập nền tảng cho triết lý chính trị của đất nước này. Nhưng thật ra ông chỉ truyền bá một thế giới quan đã được định hình nhiều thế kỷ trước đó.

“Mọi người kể cả chính bản thân Khổng Tử cũng thường nói: “Chu Công là thầy ta. Chính Ngài đã lập ra các định chế, nhất là nền tảng văn hóa Trung Nguyên,” Vương Thao nói.

Vậy mà chúng ta thật sự không biết nhiều về Chu Công.

Ông là một hình mẫu được tôn thờ hơn là một con người bình thường. Tuy nhiên gốc rễ của sự tôn thờ này là một nhân vật lịch sử và các sự kiện có thật. Chu Công đã giúp vương huynh của ông lật đổ một nhà nước suy tàn và sáng lập nên nhà Chu vào thế kỷ 11 trước Công nguyên.

Vào lúc đó vùng Hoa Bắc đã có những thành thị, các công trình công cộng và tiền đúc. Vẫn chưa có một đế chế nào cả, nhưng thậm chí để trị vì một vương quốc cũng đòi hỏi nhiều khả năng và sự tinh tế.

 Tượng Khổng Tử
‘Mẫu mực đức độ’

Tượng Khổng Tử và Chu Công từng bị đập thời Cách mạng Văn hóa

Sau khi vương huynh băng hà, Chu Công trở thành vị hoàng thúc nhiếp chính rất có trách nhiệm, và khi vua mới đến tuổi trưởng thành, ông đã giao lại quyền lực.

“Ông đã trở thành hình mẫu một người chú mà ai cũng mơ ước. Với cung cách giao lại quyền lực một cách rất đường hoàng cho cháu, ông đã trở thành mẫu mực của đức độ trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc,” Frances Wood, chuyên gia phụ trách văn thư Trung Quốc tại Bảo tàng Anh Quốc, nhận xét.

Trong hầu hết các trường hợp trong lịch sử Trung Quốc ai cũng có hành động sai trái. hoàng thúc nhiếp chính, thái hậu chuyên quyền, các phi tần, các hoàng thân quốc thích... ai cũng làm những chuyện xấu xa.

Nếu nhìn lướt qua những giai đoạn thăng trầm của các đế chế trong lịch sử Trung Hoa thì chúng ta sẽ thấy một bể máu kinh hoàng với những cái chết đáng ngờ, biết bao đầu lâu thủ cấp, những đứa bé bị bóp chết trong nôi, những thân thuộc bị ném xuống giếng, những ông vua bị đầu độc, những gia tộc bị tru diệt hoặc những tội nhân bị tứ mã phanh thây.

Những câu chuyện như thế không hề có ở Chu Công.

Đó là lý do tại sao Chu Công được Khổng Tử tôn thờ đến thế. Ở vào trung tâm triết lý của hai nhà hiền triết này, vốn còn quan trọng hơn các đạo lý rất nhiều, là sự thành thật.

“Ở Trung Quốc, giữ tín nghĩa là một điều hết sức đúng đắn,” sử gia Tân Châu ở Đại học Hong Kong, nói.

“Việc để thái tử lên nối ngôi là mệnh trời nên Chu Công đã làm theo,” ông giải thích.

Thiên mệnh là một học thuyết lớn của Chu Công. Bậc quân vương cai trị bằng đức độ và giúp giáo hóa đạo đức cho chúng dân và do đó thể hiện sự hòa hợp với đạo Trời.

Tuy nhiên sự tối thượng của quân vương không phải là tuyệt đối. Nếu một quân vương thất đức thì sự hòa hợp với đạo Trời không còn nữa và chỉ có thể được phục hồi nếu nhà vua đó bị hạ bệ.

“Một trong những điều ấn tượng về lịch sử Trung Quốc là cách mà con người trở nên thần thánh – giữa thần và người có thể hoán đổi cho nhau chút ít, và người trần mắt thịt có thể có những phẩm chất thần thánh. Tôi nghĩ rằng Chu Công là người có đức độ của bậc thánh nhân,” Frances Wood nhận xét.

Sáng tạo lễ nghĩa

Thăm mộ người thân ở Trung Quốc

Người dân Trung Quốc rất xem trọng việc thờ cúng tổ tiên

Ý nghĩa thiên mệnh cũng bao gồm đạo lý rằng nếu một quân vương có đức độ thì Trời đất cũng vui lòng và thiên hạ sẽ bình an, Wood giải thích. Nhưng nếu quân vương thất đức, thì Trời đất sẽ bất bình bằng cách gây ra động đất cũng như những thiên họa khác để cuối cùng vị quân vương thất đức đó sẽ bị lật đổ.

Chu Công cũng được cho là đã có công sáng tạo ra Lễ – vốn sau này được Khổng Tử tiếp tục phát triển. Công sức này của hai vị đã khiến Trung Quốc trở thành một quốc gia lễ nghĩa.

Những quy tắc này, phần lớn vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, quy định cách ứng xử của mỗi người trong gia đình và xã hội.

“Khổng giáo đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc con phải nghe theo cha, vợ phải phục tùng chồng,” Wood cho biết.

“Quan hệ trong gia đình, tôn ti trật tự, tất cả những điều này đều được quy định trong Lễ.”

Giữ gìn các đạo lý Khổng giáo là nghĩa vụ của mỗi người cho đến lúc chết. Tổ tiên đứng ở vị trí cao nhất trong trật tự gia tộc.

“Thờ cúng tổ tiên là một tập tục tối trọng ở Trung Quốc bởi vì người Trung Quốc không có một tôn giáo cụ thể nào, họ không tin vào Thượng đế,” Vương Thao giải thích.

Hồng Vệ Binh đập phá miếu thờ Khổng Tử đồng thời hô to khẩu hiệu đả kích Khổng Tử. Hồng vệ binh được lệnh phải thủ tiêu tàn dư của quá khứ, trong đó có tư tưởng Khổng giáo

“Nhưng người Trung Quốc nào cũng thờ phượng tổ tiên. Nếu muốn lập thân trong xã hội thì anh cần phải nhờ đức của tổ tiên. Bản thân anh cũng phải có mối quan hệ tốt đẹp với vị tổ tiên đó,” ông nói thêm.

Chu Công là một vị tổ tiên đệ nhất của người Trung Quốc. Tuy nhiên, bản thân ông còn trọng vọng đến xa hơn nữa là các vị tổ tiên huyền thoại của dân tộc Trung Hoa, ông Vương cho biết, và lấy đó làm cơ sở tạo nên đất nước và văn minh Trung Quốc.

Quyền lực họng súng

Tuy nhiên vào năm 1949 đã xảy ra một cuộc cách mạng và nền văn hóa được xây dựng xung quanh việc tôn thờ tiền nhân và những bài học từ thời thịnh trị của họ đã bị đảo lộn.

“Quyền lực chính trị bắt đầu từ họng súng,” cố Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng nói. Anh nên tìm cách giáo dục những kẻ nào không theo anh, nhưng nếu không làm được thì hãy diệt bọn chúng.

Trong cả trăm năm, lãnh thổ Trung Quốc bị xâu xé vào tay của các cường quốc phương Tây và Nhật Bản, và lần đầu tiên trong lịch sử, một nền văn minh luôn tự hào về sự thượng tôn của mình cảm thấy yếu đuối và lạc hậu.

Đối với nhiều người Trung Quốc, nền triết học cổ đại của họ dường như là một phần lý do của vấn đề. Do đó, khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, tượng của Khổng Tử lẫn Chu Công đều bị lật đổ.

“Quá khứ của Trung Quốc là tội đồ! Quá khứ đó phải chịu trách nhiệm,” ông Peter Bol ở Đại học Harvard của Mỹ nhận xét.

“Nếu đất nước Trung Hoa ngày xưa đã từng là một đế chế hùng mạnh trên thế giới, nếu nó từng là hình mẫu cho phần còn lại của Á châu thì quá khứ của đất nước này lại được viện đến như là nguyên do mà họ đã đánh mất vị thế này, và do đó quá khứ này cần bị thủ tiêu.”

Cuộc Cách mạng văn hóa do Mao phát động muốn thủ tiêu bốn cái cũ: phong tục cũ, văn hóa cũ, tập quán cũ và tư tưởng cũ.

Tượng Khổng Tử ở Bắc Kinh. Giờ đây Trung Quốc dùng hình ảnh Khổng Tử để quảng bá văn hóa ra thế giới

Vào năm 1966, 11 triệu Hồng vệ binh của Mao đã tràn vào Bắc Kinh phá hoại hàng ngàn đền đài di tích – tất cả những thứ gì thuộc về lịch sử Trung Quốc mà họ có thể tìm thấy.

Nhưng khi Mao qua đời 10 năm sau đó thì cuộc Cách mạng Văn hóa và cuộc tấn công vào quá khứ cũng chấm dứt. Đó là lúc đất nước Trung Quốc quay lợi điểm khởi đầu.

“Sau Cách mạng Văn hóa, chính phủ và người dân Trung Quốc mong muốn có một hệ tư tưởng mới bởi vì học thuyết của Mao đã gây ra biết bao tàn phá cho đất nước và nhân dân. Do đó mà tư tưởng của Khổng Tử đã đến kịp lúc để lấp vào chỗ trống,” Vương Thao nói.

“Và giờ đâu Chu Công cũng bắt đầu nhận lại sự ủng hộ và rất nhiều người bắt đầu nói về Chu Công, việc tôn thờ tiền nhân, thuyết thiên mệnh một cách rất tích cực. Và tôi nghĩ rằng điều này thể hiện sự chuyển động của xã hội.”

Do đó, Chu Công và Khổng Tử đã trở lại ngự trên các bệ tượng. Một lần nữa lại rất hợp thời thế chính trị.

Hiếm khi nào mà trong vòng một tháng chính phủ Trung Quốc lại không mở một Viện Khổng Tử ở nơi nào đó trên thế giới để dạy tiếng Hán và truyền văn hóa Trung Hoa cũng như thể hiện quyền lực mềm của họ.

Cho đến nay đã có gần 1.000 Viện Khổng Tử ở trên 100 nước trên thế giới.

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ lên nắm quyền vào tháng tới đều muốn tôn thờ tất cả tiền nhân của họ, bao gồm Khổng Tử và các lãnh tụ cộng sản tiền bối.

Do đó cách trụ sở Trung ương Đảng không xa, tượng nhà hiền triết cổ đại đứng rạng rỡ tôn nghiêm. Và ở đâu đó trong thế giới tâm linh, Chu Công có lẽ cũng đang mỉm cười.

Carrie Gracie

BBC News từ Bắc Kinh

Cập nhật: 09:56 GMT - thứ tư, 10 tháng 10, 2012

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/10/121010_duke_of_zhou.shtml

Nữ phóng viên Carrie Gracie của BBC News đang có chuyến công tác tại Trung Quốc và đăng loạt 10 bài về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước này như Khổng Tử, Tư Mã Thiên, Hốt Tất Liệt... Quý vị có thể đọc thêm ở Bấm trang tiếng Anh. Bình luận xin gửi về trang Bấm Facebook của BBC Tiếng Việt.

Bình Luận:

Chu Công tên thật là Cơ Đán. em của vua Chu Vũ Vương. Khi Chu Vũ Vương qua đời, con là Thái Tử Tụng còn nhỏ, Chu Công đã đứng ra cai trị, đặt ra lễ nghi cho triều đình, tổ chức chế độ chính trị cho nhà Chu, dẹp những người nổi lên chống đối chế độ mới của nhà Chu. Chu Công nắm binh quyền trong tay nhưng không dùng quân đội uy hiếp vua, cướp ngôi vua như những người khác trong lịch sử. Chu Công thay vua làm việc trong 7 năm. Khi Thái Tử Tụng, tức Chu Thành Vương, đã lớn có thể tự cai trị được, Chu Công rút lui, để cho cháu mình làm vua cai trị đất nước và không giữ chức vụ nào nữa.

Khổng Tử dạy học trò muốn mọi người ra làm việc công giống như là Chu Công. Làm việc để phục vụ cho lợi ích chung cho mọi người, không vì danh, lợi hay quyền. Không phải để được nổi danh trong thiên hạ, không phải là để được giàu sang, không phải là để được có chức vụ mà sai khiến người khác. Sau khi làm xong nhiệm vụ, đất nước không cần nữa thì rút lui về sống như dân thường, không đòi hỏi phải được địa vị này nọ, không đòi hỏi phải được thưởng tiền bạc, đất đai hay danh vọng.

No comments:

Post a Comment