Monday, July 16, 2012

Nho Giáo: Quân tử hoài hình


"Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ" là lời nói của Khổng Tử nói về hai thái độ khác nhau khi làm việc trong chính quyền.

"Quân tử hoài hình" nghĩa là người quân tử để tâm về việc hình pháp, nghĩa là thi hành luật pháp, giữ cho mọi người làm việc trong vòng qui định của chính quyền, trong vòng luật lệ, sửa đổi luật lệ, qui định cho phù hợp với thực tế, cho hữu hiệu hơn. "Hoài" có nghĩa là nghĩ đến, để tâm đến.

"Tiểu nhân hoài huệ" nghĩa là kẻ tiểu nhân khi làm việc công chỉ để ý đến ơn huệ, nghĩa là làm sao cho mình có lợi, không quan tâm đến việc công.



Nho giáo dạy dân giữ đạo đức nhưng chú trọng nhiều về dạy người đi ra làm việc công phải làm việc với thái độ như thế nào. Vào thời Khổng Tử còn đi truyền tư tưởng của mình và dạy học thì có nhiều học trò của Khổng Tử ra làm việc cho chính quyền, cho các quan lại vì họ là những người biết chữ trong số dân chúng đa số là làm ruộng, không được đi học.

Việc đào tạo người ra làm việc công với tinh thần chí công, vô tư khiến cho Trung Hoa từ thời xa xưa là nước dùng thi cử để tuyển người trong số dân thường ra làm việc cho chính quyền. Trong khi vào cùng thời kỳ đó, nhiều nước khác trên thế giới việc cai trị là do tầng lớp quí tộc, những người làm việc trong chính quyền là do họ hàng, bà con mà được cử vào các chức vụ quan trọng, hoặc do quan hệ quen biết với những người quyền thế.

Những người thi đậu được ra làm quan đó, họ không nhờ họ hàng bà con mà được nắm chức vụ nên họ dễ có tinh thần chí công vô tư hơn. Khi việc chấm thi bị chi phối bởi lý do bà con, họ hàng hay tiền bạc thì chế độ đó bắt đầu đi xuống vì những kẻ ra làm việc công không còn tinh thần phục vụ cho lợi ích công nữa, xã hội bắt đầu đi xuống.

Việc giáo dục cho người dân thái độ đúng đắn khi ra làm việc cho chính quyền đóng góp vào việc Trung Hoa có một chính quyền mà người làm việc tận tân với việc công, giảm bớt sự thối nát của những người cầm quyền chỉ lo cho bản thân, mà không lo cho việc công, không lo cho dân.

Do bản tính con người, có người ích kỷ, chỉ lo cho mình, có người có bản tính công bằng, biết lo cho ích lợi chung nên dù có được giáo dục lời Khổng Tử, cũng chẳng tránh khỏi có kẻ dù học lời Khổng Tử, thi đậu được, ra làm quan mà có kẻ vẫn trở thành tham quan, bóc lột dân, nhưng dù sao thì có giáo dục người ra làm việc công vẫn hơn là chỉ lấy người theo phe cánh, chẳng giáo dục rồi để họ tự hành động theo bản năng tham lam của họ.

Việc giáo dục cho người ra làm việc công của Nho Giáo đóng góp vào việc làm cho Trung Hoa có một chính quyền tương đối trong sạch, có những người biết chăm lo cho lợi ích quốc gia, nhờ thế Trung Hoa có thể tổ chức được một guồng máy chính quyền ổn định, cai trị một quốc gia rộng lớn kéo dài hàng ngàn năm. Khi các nước xung quanh mà chính quyền gồm người ra làm việc chỉ do bà con, họ hàng, làm việc với thái độ tham lam ích kỷ, thì sẽ làm cho dân chúng bất mãn, nổi dậy, đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn trong khi Trung Hoa có chính quyền vững vàng thì Trung Hoa sẽ lợi dụng các nước khác lâm cảnh hỗn loạn mà đem quân đánh chiếm, làm cho Trung Hoa ngày càng bành trướng rộng lớn hơn.

Chẳng hạn, Trung Hoa rình những lúc Việt Nam lâm vào cảnh hỗn loạn mà đem quân sang đánh. Đời nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám sát. Sau đó xảy ra việc tranh giành quyền hành giữa Lê Hoàn và những người bảo vệ nhà Đinh nên Trung Hoa lợi dụng cơ hội này đã đem quân sang đánh. Nguyên nhân là có kẻ bầy tôi tham quyền lực, địa vị mà giết vua.

Vào thời nhà Trần, khi Hồ Quí Lý soán ngôi vua, xảy ra việc tranh giành đánh lẫn nhau giữa giòng họ nhà Trần và Hồ Quí Ly nên nhà Minh đã đem quân sang đánh Việt Nam.

Vào thời nhà Lê, khi Việt Nam có nội chiến giữa Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, nhà Thanh đem quân sang đánh. Nguyên do của việc nội chiến là thái độ ích kỷ của các chúa Trịnh khiến cho chúa Nguyễn ly khai, thành lập một nước riêng ở phía Nam, rồi sau đó do cách cai trị thối nát của quan lại của chúa Nguyễn mà Tây Sơn nổi lên.


2 comments:

  1. bác có facebook không ạ ,cho cháu xin

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn Tam Thai Bát Tọa,

      Tôi không có facebook. Cám ơn đã quan tâm và đọc blog.

      Delete