Monday, July 23, 2012

Cuba: Oswaldo Payá, người dám thu thập chữ ký

Oswaldo Payá (1952 – 2012)
Ông  Oswaldo Payá được nhiều người Việt nhắc đến vào năm 2002 khi ông đề ra Phong Trào Valera, một chiến dịch thu thập chữ ký của người dân Cuba để đề nghị thay đổi hiến pháp Cuba.

Theo hiến pháp Cuba, hễ đề nghị sửa đổi hiến pháp nào được hơn 10 ngàn người dân ký tên ủng hộ thì đề nghị đó sẽ được đem trưng cầu dân ý để xem đa số người dân có chấp thuận sự sửa đổi đó hay không.

Năm 2002, ông Oswaldo Payá đã thu thập được hơn 11 ngàn chữ ký và đem nộp cho quốc hội nhưng quốc hội bác bỏ việc xin trưng cầu dân ý dù là ông ta đã làm đúng như hiến pháp qui định. Nội dung đề nghị sửa đổi hiến pháp bao gồm việc cho tự do lập hội, tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do ứng cử, bầu cử, cho phép tư nhân kinh doanh và ân xá tù chính trị.

Thay vì tổ chức trưng cầu dân ý như hiến pháp qui định, chính quyền Cuba tổ chức một chiến dịch vĩ đại thu thập chữ ký của các cử tri để đề nghị không sửa đổi hiến pháp Cuba. Kết quả là nhà nước Cuba thu thập được hơn tám triệu chữ ký, (8,1 triệu), tính ra là chiếm 99.5% tổng số cử tri Cuba. Với kết quả 99.5% số cử tri ký tên đề nghị giữ nguyên hiến pháp, nhà nước Cuba tuyên bố rằng đa số cử tri Cuba không muốn thay đổi hiến pháp, do đó không cần phải trưng cầu dân ý đề nghị sửa đổi hiến pháp của ông Oswaldo Payá nữa. Qua năm 2003, chính quyền Cuba mở chiến dịch bắt giữ nhiều thành viên đã tham gia việc thu thập chữ ký.

 Cảnh đường phố tại thủ đô La Havana, Cuba

Có sự khác nhau giữa việc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp và việc chính quyền thu thập chữ ký. Việc trưng cầu dân ý sẽ có sự tham gia của toàn thể cử tri và việc bỏ phiếu xem có chấp nhận sự thay đổi hiến pháp được làm trong phòng kín, nghĩa là chính quyền không được quyền biết ai bỏ phiếu thuận, ai bỏ phiếu chống. Còn việc thu thập chữ ký của người dân thì nhà nước cho người đến từng nhà thu thập chữ ký lại còn tổ chức biểu tình tuần hành với đông đảo người bày tỏ ý không muốn thay đổi hiến pháp. Với chế độ độc tài toàn trị, nhà nước kiểm soát từng lời ăn tiếng nói, kiểm soát cả công ăn việc làm thì việc nhà nước mở chiến dịch rầm rộ với báo chí, đài phát thành, đài truyền hình hô hào không đổi hiến pháp, thì khi người của chính quyền đến nhà thu thập chữ ký thì ít có người nào dám từ chối không ký. Từ chối không ký thì sẽ bị lên án là chống chính quyền. Với hệ thống chính quyền đe dọa và kiểm soát dân như vậy thì việc thu thập chữ ký không thực sự phản ảnh ý nguyện của người dân vì người dân phải ký tên dưới sự đe dọa của chính quyền.

Mở chiến dịch thu thập chữ ký như vậy là nhà nước đã ăn gian với ông Oswaldo Payá. Nhà nước đã ăn gian hai việc. Việc thứ nhất là không tuân theo hiến pháp mà tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp khi có hơn 10 ngàn công dân đề nghị. Việc ăn gian thứ hai là chọn cách thu thập chữ ký mà không cho dân được bỏ phiếu kín.

Trước hành động này của chính quyền Cuba, ông Oswaldo Payá đã phản đối là nếu quả thật là 99.5% số cử tri Cuba không muốn thay đổi hiến pháp thì tại sao nhà nước không dám tổ chức trưng cầu dân ý về đề nghị thay đổi hiến pháp của ông ta?

Câu trả lời là trưng cầu dân ý với bỏ phiếu kín thì nhà nước không dọa được dân nên nhà nước không biết trước là sẽ có bao nhiêu dân muốn thay đổi hiến pháp. Hoặc chính nhà nước biết trước là sẽ có đa số người dân Cuba muốn thay đổi hiến pháp nên nhà nước không dám cho trưng cầu dân ý mà chọn cách thu thập chữ ký.

Đến năm 2004, ông Oswaldo Payá tiếp thu thập được đến hơn 14 ngàn chữ ký và nộp cho quốc hội nhưng đề nghị này cũng bị làm ngơ mặc dù việc làm của ông phù hợp với những điều qui định trong hiến pháp Cuba.

Chính quyền có thể thu thập được nhiều chữ ký hơn ông Oswaldo Payá vì chính quyền ở thế mạnh, nắm công an, nhà tù nên khi chính quyền "ra lệnh" ký thì ít người dám từ chối. Còn ông Oswaldo Payá, ở trong tư thế người dân, dám đứng ra xin chữ ký đã là việc làm can đảm, những người dám ký tên vào cũng là những người can đảm. Quả thật, những người đi xin chữ ký sau này bị nhà nước bắt bỏ tù. Fidel Castro có lẽ nghĩ rằng với hệ thống chính quyền chuyên chế của mình sẽ không ai có thể thu thập đến 10 ngàn chữ ký để xin trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp nên đã ghi điều này trong hiến pháp để làm ra vẻ chế độ của mình là chế độ tôn trọng ý dân. Nhưng không ngờ ông Oswaldo Payá đã làm được, nên Fidel Castro phải trở mặt không làm theo hiến pháp qui định.


Fidel Castro, 1959, tiến vào Havana

Vào năm 1959, khi ông Fidel Castro thành công trong việc lật đổ chế độ Batista, ông đã tuyên bố với các nhà báo là ông không có ý định nắm chính quyền lâu dài. Đó là lời nói khảng khái của một người đàn ông ở tuổi ba mươi ba, xem thường danh vọng, chức vị. Bốn mươi ba năm sau, ở tuổi bẩy mươi sáu, ông Fidel Castro phải dùng lối thu thập chữ ký, một mánh lới gian xảo, để bảo vệ địa vị và bảo vệ chế độ của ông ta. Chẳng còn có vẻ khảng khái ở tuổi ba mươi chút nào. Và cũng chẳng dám làm theo ý nguyện của đa số nhân dân.

Fidel Castro, 2002

Chính trị cũng có cái mốt của nó . Ở thời quân chủ, vua là trên hết, thì ai làm theo lệnh của vua là có chính nghĩa. Ở thời dân chủ, dân được xem là trên hết, thì ai làm theo ý nguyện của nhân dân là có chính nghĩa.

Ở thời quân chủ, Tào Tháo và Lưu Bị đánh nhau, cả hai đều nói rằng mình vâng theo chiếu chỉ của nhà vua. Lưu Bị thì có chiếu chỉ do vua sai dấu trong đai áo đem ra khỏi  hoàng cung mà đưa cho Lưu Bị. Còn Tào Tháo thì áp đảo được vua nên muốn viết chiếu chỉ như thế nào vua cũng phải chịu, chẳng dám chống lại. Tào Tháo tự biết chẳng phải là mình làm theo lệnh nhà vua. Chẳng qua là vua sợ Tào Tháo nên không dám phản đối. Nhưng Tào Tháo cũng được nhiều người tin là vì vua thật mà đi theo. Có người biết là Tào Tháo uy hiếp vua nhưng cũng đi theo vì có lợi.

Cũng giống như thời Tam Quốc, ở Nhật, nhóm sứ quân chủ trương canh tân đã phò Minh Trị Thiên Hoàng, lúc đó mới 14 tuổi, để có danh nghĩa vâng lệnh vua mà canh tân. Ai chống lại họ là chống lại lệnh vua. Các samurai bị mất địa vị vì giai cấp samurai bị xóa bỏ, chống lại nhóm canh tân, cũng nhận là mình vì vua dấy binh để tiêu diệt bọn phản nghịch bao quanh nhà vua.

Ở thời đại đề cao nhân dân, liệu Fidel Castro có biết là dân Cuba vì sợ mà phải ký tên đông đảo hay không? Dĩ nhiên là biết, chính Fidel Castro chọn cách thu thập chữ ký chứ không cho trưng cầu ý kiến qua cách bỏ phiếu kín vì Fidel Castro biết khi phải công khai nêu danh tính, chỗ ở thì sẽ không ai dám trái với chủ trương nhà nước mà không ký tên. Nhưng trong số người dân Cuba cũng có người tin là đông đảo dân chúng không muốn sửa đổi hiến pháp thật. Cũng có người Cuba biết chẳng qua dân chúng sợ mà ký nhưng không dám nói ra, cứ nói theo nhà nước để được yên thân.  Cũng có người biết là nhân dân chẳng có quyền gì ảnh hưởng đến nhà nước nhưng cũng vẫn cứ nói là mình làm theo ý nguyện của nhân dân và bắt mọi người phải nói như thế. Có làm thế thì họ mới có lý do nắm quyền lực mãi.

Tào Tháo dùng sức mạnh khống chế vua, làm cho vua sợ không dám chống lại mình, rồi nói là mình vâng theo chiếu chỉ vua mà hành động. Fidel Castro dùng sức mạnh làm cho dân sợ, không dám chống lại mình, rồi nói là mình làm theo ý nguyện của nhân dân. Gian hùng trong chính trị nào chỉ có mình Tào Tháo?

Minh Đức

No comments:

Post a Comment