Friday, November 25, 2011

Vinashin và Singapore Airlines

 Singapore Girls, nữ tiếp viên hàng không của Singapore Airlines

Vụ tổng công ty Vinashin bị lỗ vốn làm cho nhiều người Việt vốn có thành kiến là công ty quốc doanh làm ăn không khá lại càng tin tưởng rằng lãnh vực quốc doanh là lãnh vực không nên để chiếm phần quá lớn trong kinh tế quốc gia mà nên để cho lãnh vực tư nhân lớn mạnh hơn. Nhưng trường hợp thành công của Singapore Airlines, một hãng hàng không đã hoạt động từ nhiều chục nay làm cho người ta không để ý là Singapore Airlines cũng là một công ty quốc doanh của Singapore.

Lãnh vực quốc doanh làm ăn không khá không phải chỉ riêng gì Việt Nam mà tại các nước Đông Âu đã từng theo chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vào đầu thập niên 1980, Liên Xô lâm vào khủng hoảng vì giá dầu hỏa trên thế giới xuống khiến cho tiền xuất cảng dầu giảm đi, không đủ cho ngân sách quốc gia chi tiêu. Những người Nga tìm cách giải quyết vấn đề tiền bạc cho quốc gia gặp phải chướng ngại vật lớn là mặc dù Liên Xô là một nước công nghiệp hóa với công nghiệp chiếm đến 70% - 80% lực lượng lao động nhưng lại không phải là lãnh vực đem lại lợi nhuận cho quốc gia. Nhiều xí nghiệp quốc doanh làm ăn lỗ lã từ nhiều năm nhưng vẫn được nhà nước bù lỗ. Tiền bù lỗ do nhà nước lấy từ tiền xuất cảng dầu hỏa, kim cương, vàng, đá quí... Hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô được Liên Xô tự hào là hãng hàng không lớn nhất thế giới, lại là hàng không không bao giờ có lời. Tại các nước khác, mặc dù khách đi máy bay nhiều nhưng có nhiều hãng hàng không. Tại Mỹ và châu Âu cũng có những hãng hàng không lớn nhưng vì Liên Xô chỉ có một hãng hàng không duy nhất là Aeroflot nên toàn thể máy bay dân dụng đều thuộc về một công ty. Còn các hãng hàng không khác chỉ có thể phát triển lớn đến mức mà họ có thể quản lý được. Nếu trở nên quá lớn, quản lý không nổi bị lỗ vốn thì các hãng này phải thu nhỏ lại bớt hoặc phá sản.

Nữ tiếp viên hàng không hãng Aeroflot, thập niên 1960

 Phi cơ chở khách IL-62 của hãng hàng không Aeoflot đậu tại phi trường Orly, Pháp, 1973

Tại Anh, nơi công nghiệp khai thác than đá từng chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế cũng được quốc hữu hóa. Đến  thập niên 1970, ngành khai thác than đá dùng đến hơn 300 ngàn công nhân nhưng không bao giờ có lời. Năm nào chính phủ Anh cũng phải bù lỗ cho ngành khai thác than đá vì không muốn ngành này phá sản, làm cho hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp. Năm 1979, bà Magaret Thatcher lên làm Thủ Tướng nước Anh đã bãi bỏ việc quốc hữu hóa mỏ than, để cho tư nhân khai thác than. Quyết định này bị công đoàn mỏ than phản đối mãnh liệt vì họ thấy rằng nếu tư nhân làm chủ mỏ than thì họ sẽ thải người bớt để việc khai thác có lời và sẽ làm nhiều công nhân thất nghiệp. Nhưng bà Thatcher vẫn tiếp tục tiến hành chính sách của mình và đã thành công trong việc biến nền kinh tế trì trệ của Anh thành nền kinh tế phát triển. Điều này cho thấy lãnh vực quốc doanh thường là lãnh vực không đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế.

 Công nhân mỏ than Anh đình công, biểu tình, 1984

Một số nước có mỏ dầu hỏa không muốn cho các công ty dầu lớn của các nước tư bản đã phát triển mua và làm chủ mỏ dầu của mình nên quốc hữu hóa mỏ dầu và lập ra công ty quốc doanh để quản lý các mỏ dầu. Khi thấy công ty quốc doanh khai thác không có lời, một số nước chọn công thức về mặt sở hữu thì mỏ dầu vẫn thuộc nhà nước, tức là thuộc công ty quốc doanh, nhưng việc khai thác dầu thì do nhà thầu tư nhân đảm nhiệm. Đó là cách làm giảm bớt khuyết điểm của công ty quốc doanh .

Ấy thế mà hãng hàng không Singapore Airlines lại là một hãng hàng không quốc doanh làm ăn có lời. Khi hãng máy bay Airbus sản xuất ra chiếc máy bay chở hành khách lớn nhất thế giới Airbus A380 có hai tầng ghế ngồi thì Singapore Airlines là nước đầu tiên mua chiếc máy bay khổng lồ này.

Máy bay chở hành khách lớn nhất thế giới Airbus A380 với hai tầng ghế ngồi của Singapore Airlines 

Sự thành công của Singapore Airlines là do ngay từ lúc đầu khi thành lập hãng hàng không, những người lãnh đạo Singapore xác định ngay công ty này là để kiếm tiền, để nhắm vào mục đích thương mại. Singapore chỉ là một đảo nhỏ, không cần đến máy bay để chuyên chở hành khách cho dân trong nước. Vậy thì việc lập hãng hàng không sẽ là một hãng hàng không quốc tế. Mục đích là để chuyên chở hành khách trên thế giới mà kiếm tiền. Giống như một người có tiền bỏ ra lập một hãng xe đò để chở khách, kiếm tiền nhờ bán vé cho khách, không phải là để chuyên chở người trong gia đình. Những người lãnh đạo Singapore lúc đó quyết định là nếu hãng hàng không đó có lời thì sẽ để nó sống, còn nếu nó không có lời, không đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không của các nước khác thì sẽ để cho công ty đó chết. Hãng hàng không Singapore Airlines cũng không phải là lập ra để làm biểu tượng cho quốc gia là ta đây cũng có hãng hành không như một số các nước khác. Tại nhiều nước khác, các công ty quốc doanh được lập vì mục đích chính trị hoặc xã hội hơn là mục đích thương mại. Vì thế khi các công ty này bị lỗ vốn, nhà nước cũng vẫn tiếp tục bỏ tiền ra nuôi các công ty này để giữ thể diện hoặc để phục vụ cho mục tiêu chính trị của người cầm quyền.

 Singapore, thập niên 1960, khu phố người Hoa

Khi chính quyền Singapore xác định hãng hàng không của mình là để kiếm tiền thì họ sẽ chọn người nào có khả năng điều hành công ty để công ty thành công nhất mà không bị vướng mắc vào ý thức hệ hay chủ nghĩa mà chọn người. Trên các tạp chí Tây Phương người ta thường thấy Singapore Airlines quảng cáo với các nữ tiếp viên xinh đẹp, gọi là Singapore Girls, Các Cô Gái Singapore. Đó là cách làm ăn khôn ngoan của các Hoa Kiều tại Singapore. Khi Singapore Airlines ra đời, công ty này phải cạnh tranh với các công ty lớn đã có sẵn của Tây phương. Vào thập niên 60, 70 luật lệ về cạnh tranh của các hàng không ở Mỹ rất khe khắt. Để tránh cho các công ty hàng không cạnh tranh nhau chiều khách quá trớn mà sinh ra lỗ vốn khiến cho ngành hàng không lâm vào cảnh bấp bênh chính phủ Mỹ ra qui định rất chi tiết về những gì được làm để cạnh tranh. Chẳng hạn bề dày của bánh mì sandwich dọn cho khách cũng có qui định và các hãng chỉ được dọn cho khách sandwich trong vòng qui định đó mà thôi. Singapore Airlines phải vừa cạnh tranh vừa tuân thủ những luật lệ khe khắt này. Để tạo cho Singapore Airlines một đặc điểm khác với các hãng hàng không khác khiến cho khách chú ý những người lãnh đạo Singapore Airlines tung ra hình ảnh Singapore Girls. Các hãng hàng không thì đều dùng nữ tiếp viên cả và các cô gái Singapore cũng không phải là đặc biệt đẹp sắc nước hương trời nhưng tung ra hình ảnh các cô gái Á Châu khiến cho Singapore Airlines có hình ảnh đặc biệt mà  các hãng hàng không Tây Phương khác không có.

Cô gái Singapore xinh đẹp

Thế tại sao các công ty quốc doanh tại các nước khác đều bị nạn quản lý lỏng lẻo, làm việc kém hiệu năng mà Singapore Airlines không bị? Có lẽ vì ông Lý Quang Diệu và những người cộng tác rất cẩn thận và chặt chẽ trong việc chọn người làm việc trong chính quyền cũng như trong các công ty quốc doanh. Khi thấy có người kém khả năng, bê bối, thâm lạm công quĩ là họ loại ngay ra khỏi guồng máy, giữ cho guồng máy luôn trong sạch, tinh thần người làm việc luôn luôn lương thiện, thẳng thắn. Lại thêm qui mô của Singapore rất nhỏ. Lúc mới được độc lập năm 1965 thì dân số Singapore chỉ khoảng 1 triệu rưởi. Đó chỉ là một thành phố cỡ nhỏ trên thế giới. Vì thế nếu người lãnh đạo quyết tâm giữ cho guồng máy làm việc được trong sạch thì dễ dàng hơn vì trong thành phố đó ông thủ tướng có thể biết rõ tính tình và tình trạng gia đình của mọi người cộng sự với mình. Còn trong một quốc gia đông hàng chục triệu người thì việc theo dõi, kiểm soát người làm việc trong chính quyền khó khăn hơn. Người lãnh đạo dù có lương tâm muốn giữ cho chính quyền trong sạch không thể theo dõi hết tất cả mọi người mà phải giao cho những người dưới quyền phụ trách. Mà giao cho người khác thì mỗi người một tính, không chắc là họ sẽ luôn luôn làm đúng ý lãnh đạo. Vì thế cần phải có một cơ chế để giám sát chứ không còn có thể dựa vào sự trong sạch của một mình lãnh tụ.

Hơn nữa ông Lý Quang Diệu và nhiều người cộng sự thuộc về các gia đình người Hoa có truyền thống về kinh doanh buôn bán nên họ có con mắt nhận xét ai là người có thể sử dụng trong kinh doanh, trong quản lý các xí nghiệp.

Khi công ty Vinashin loan báo là bị lỗ vốn thì ông Bùi Kiến Thành, khi được đài BBC phỏng vấn đã nói rằng ông đã từng đưa ý kiến là Việt Nam nên bắt các công ty quốc doanh cũng phải tuân theo qui luật kinh tế thị trường. Nghĩa là chính quyền Việt Nam cũng phải có thái độ như chính quyền Singapore khi lập ra Singapore Airlines, là công ty nào làm ăn không có lời thì cho phá sản. Nhưng điều này xem ra không được đảng Cộng Sản Việt Nam nghe theo.

Có lẽ là vì những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam và những người lãnh đạo Singapore là hai loại người khác nhau. Tại Singapore, ông Lý Quang Diệu và những người cộng tác với ông ta thuộc dòng dõi các thương gia Hoa Kiều sinh sống tại Indonesia, Mã Lai lâu đời. Họ đã quen với cách suy nghĩ kiếm tiền nên khi điều hành một quốc gia, một công ty quốc doanh họ xem lợi nhuận là hàng đầu. Nếu công ty đó không đem lại lợi nhuận thì công ty đó không có lý do để tồn tại. Còn những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam thì trước đây từng bài bác cái óc kiếm tiền. Họ có những ham muốn và mục tiêu khác hơn là kiếm tiền chẳng hạn như nắm được quyền lực, có được cái vinh quang là dám đánh nhau với các nước lớn, xem chủ nghĩa xã hội trọng hơn là làm cho sản xuất có hiệu quả.



Tại Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, tuy đã theo kinh tế thị trường phần nào nhưng kinh tế quốc doanh vẫn chiếm phần lớn. Việc duy trì khu vực quốc doanh lớn có mục đích chính trị hơn là vì lý do kinh tế. Đảng Cộng Sản nắm nhiều công ty lớn thì có nghĩa là đảng Cộng Sản nắm quyền kiểm soát phần lớn của cải vật chất của quốc gia trong tay, thì đảng Cộng Sản mới có quyền lực. Nếu để tư nhân kinh doanh và công ty tư nhân lớn mạnh thì dần dần tư bản tư nhân sẽ nắm phần lớn của cải vật chất và kinh tế, tư nhân trở nên có quyền lực còn quyền lực của đảng Cộng Sản thì bị suy giảm đi. Hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trị. Ở hạ tầng kinh tế nếu tư nhân nắm kinh tế thì trên thượng tầng chính trị tư nhân cũng sẽ đòi có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, nghĩa là đòi phải có người đại diện trong quốc hội để làm luật, đòi phải có quyền bàn bạc với chính quyền về chính sách kinh tế. Người Cộng Sản muốn duy trì nền kinh tế sao cho có lợi cho vị thế chính trị của đảng Cộng Sản. Công ty quốc doanh tuy là sở hữu của quốc gia nhưng thực chất là công ty của đảng Cộng Sản. Công ty quốc doanh dù có làm ăn kém nhưng lại là điểm dựa cho quyền lực của đảng Cộng Sản nên đảng Cộng Sản không để cho các công ty này chết dù là phải trả bất cứ giá nào.

Còn tại Singapore, ngay từ lúc đầu, những người lãnh đạo Singapore đã cộng tác chặt chẽ với tập đoàn tư bản tư nhân thì việc hãng hàng không Singapore có lời hay để cho chết đi không phải là vấn đề lớn có ảnh hưởng đến quyền lực của những người cầm quyền vì tư nhân đã nắm nền kinh tế Singapore rồi và họ được có ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền. Vấn đề tại Singapore thì ngược lại. Chính quyền của Singapore là chính quyền của tư bản tư nhân nên họ không muốn cho những người theo chủ nghĩa xã hội chui vào trong quốc hội. Những doanh gia Singapore thấy những người theo chủ nghĩa xã hội đòi phải có trợ cấp xã hội cho người không có công ăn việc làm, đòi phải có công đoàn để công nhân đòi hỏi tăng lương. Đó là những việc làm cho công ty tư nhân làm ăn khó khăn hơn vì phải đóng thuế cao để chính quyền có tiền mà trả trợ cấp xã hội, trả lương công nhân cao hơn.

Điều may mắn cho Singapore là những người cầm quyền Singapore tuy là có chính sách ưu đãi tư sản nhưng lại cũng biết lo cho đời sống người dân. Đó cũng là do cá nhân ông Lý Quang Diệu là người có lương tâm. Mai sau này khi ông Lý Quang Diệu qua đời, liệu các thế hệ sau có tiếp tục làm việc với thái độ lương thiện, quan tâm đến người dân hay không? Điều này chỉ có Trời biết. Nhà Trần chống quân Nguyên rất anh dũng, đánh chìm chiến thuyền của Mông Cổ ở sông Bạch Đằng. Tám mươi năm sau, con cháu của những người từng anh dũng chống quân Nguyên nhìn thấy chiến thuyền của Chế Bồng Nga từ ngoài biển tiến vào vua tôi nhìn nhau khóc vì sợ hãi.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment