Friday, October 7, 2011

Phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn về Trịnh Công Sơn

Bùi văn Phú phỏng vấn Hoàng Xuân Sơn, damau.org, 6.05.2011.

http://damau.org/archives/19866

 Hoàng Xuân Sơn thời trẻ là một trong những người khai sinh ra Quán Văn, tụ điểm văn nghệ của sinh viên Sài Gòn từ những năm giữa thập niên 1960. Khởi sự làm thơ năm 1963 và đã có sáng tác đăng trên Văn, Nghiên cứu văn học, Khởi Hành trước năm 1975 và trên nhiều mạng văn học, tuyển tập văn chương tại hải ngoại. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn và cao học chính trị kinh doanh, ông từng làm công chức và dạy học ở Việt Nam trước khi qua định cư tại Montréal cuối năm 1981. Một số tác phẩm của ông gồm Viễn phố (thi tập, 1988), Huế buồn chi (thi tập, 1993), Lục bát Hoàng Xuân Sơn (2004). Trong tương lai ông sẽ phát hành phóng bút “Cũng cần có nhau” ghi lại sinh hoạt của Quán Văn và của thanh niên, sinh viên miền Nam trong giai đoạn 1965-75.

Quán Văn, 1967, với Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Trần Đại Lộc, Hoàng Xuân Sơn

Ảnh chụp Quán Văn, là một cái chòi lụp xụp nằm trong khuôn viên đại học Văn Khoa, Sài Gòn (Ảnh của http://damau.org)


Hoàng Xuân Sơn

1. Ông thân với Trịnh Công Sơn, xin ông cho biết đã quen nhạc sĩ trong hoàn cảnh như thế nào?

- Thưa anh, nguyên thủy thế này. Lúc sinh thời, thân phụ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bác Trịnh Xuân Thanh và ông cụ tôi là hai người bạn tri kỷ, chí thân. Cụ tôi không may mất sớm. Cứ mỗi lần tới ngày giỗ kỵ, bác Thanh lúc nào cũng bày biện chén bát, trà rượu ngồi đối diện nói chuyện với người đã khuất như thể cụ tôi vẫn còn trên dương thế! Do hoàn cảnh địa lý và kinh tế, gia đình Trịnh Công Sơn ở phía tả ngạn trong khi gia đình tôi cư ngụ phía hữu ngạn thành phố Huế, thời nhỏ chỉ có những người lớn giữa hai nhà giao tiếp với nhau. Bọn trẻ chúng tôi không được sinh sống gần nhau như hàng xóm láng giềng nên không có nhiều kỷ niệm chung dù giao tình giữa hai gia đình khá lớn. Cho đến khoảng 1965-66, do một cơ duyên không định trước, anh Trịnh Công Sơn từ Đà Lạt xuống còn tôi từ Huế vào Sài Gòn trọ học và chúng tôi đã gặp nhau ở môi trường sinh hoạt thanh niên sinh viên, khởi thủy từ cơ quan CPS tức Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường, rồi Quán Văn sau đó… Tình đệ huynh và tình bằng hữu văn nghệ đã được đơm bông kết trái từ đấy.

2. Còn nhạc Trịnh đã đến với ông đầu tiên trong đời vào lúc nào? Ông còn nhớ bài hát đầu tiên nào của Trịnh Công Sơn đã quyến rũ ông?

- Bài nhạc Trịnh quyến rũ đầu đời chính là ca khúc “Diễm xưa”. Chẳng là lúc bài hát ra đời, một nhóm bạn học chúng tôi đang sửa soạn ôn luyện thi tú tài ban triết ở một vùng biển vắng là biển Thuận An, Huế và đã bị choáng váng trước lời ca trừu tượng, diễm ảo và mới lạ của “Diễm xưa.”

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
làm sao em nhớ những vết chim di…


Lời ca kết hợp với không gian lúc bấy giờ: sóng biển, cát trắng, thuỳ dương, chim chóc… đã ghi lại rất nhiều ấn tượng cho bọn tôi. Chính tôi cũng đã mượn một nhóm chữ trong ca khúc này để làm nhan sách cho những chương phóng bút viết về thời kỳ Quán Văn: “Cũng Cần Có Nhau.”

3. Thời Việt Nam Cộng hoà ông đã vào đời làm công chức, ông có nhớ gì về những cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly?

- Tôi có vào thăm blog của anh Phú, thấy băng nhạc “Hát cho Quê hương Việt Nam” với Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và có ghi là do Hội quán Cây Tre phát hành. Băng nhạc này trộn lẫn nhiều loại ca khúc của Trịnh Công Sơn, từ nhạc tình, ca khúc da vàng và nhạc đấu tranh về sau mà chắc chắn là mình đã có nghe đâu đó.

Xin nói thêm về những băng nhạc đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Theo chỗ tôi được biết, băng nhạc đầu tiên Trịnh Công Sơn-Khánh Ly thu âm được thực hiện tại Phòng Thông tin Hoa Kỳ tức JUSPAO nằm cạnh rạp chiếu bóng Rex cũ do sự sắp xếp của một nhân viên cơ quan này tên Hải. Băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam” ghi người hòa âm là Duy Hải, không biết có phải là cùng một người, vào thời điểm Quán Văn đang sinh hoạt, khoảng 1966-67 trước khi Hội quán Cây Tre thành hình. Băng nhạc này chỉ thu thanh những ca khúc trong hai tập nhạc của Trịnh Công Sơn là Ca khúc Da VàngNhững tình khúc Trịnh Công Sơn. Phần đệm nhạc đơn sơ chỉ có cây đàn thùng của tác giả.

Nhạc đấu tranh mà Khánh Ly hát trong “Hát cho quê hương Việt Nam” là những ca khúc thuộc hai tập nhạc Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời. Tuy nhiên việc ca diễn và thu âm hai tập nhạc này lúc đó lại không có mặt Khánh Ly vì lý do gì tôi không được rõ. Sau khi hoàn tất hai tập nhạc này, Trịnh Công Sơn đã nhờ một số thân hữu tập dượt và trình diễn trước công chúng độ vài ba lần. Thành phần ban ca gồm có một số chị bên ca đoàn Trùng Dương mà tôi chỉ còn nhớ tên chị Tường Vân, chị Cúc. Các giọng ca nam gồm có Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, Hoàng Thi Thao, Hoàng Xuân Giang, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn. Tôi không nhớ hết và có thể còn ghi sót tên.

Những ca khúc trong hai tập nhạc Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời được thu thử lần đầu tiên tại Huế ở tư gia Trịnh Công Sơn với sự góp giọng của nữ ca sĩ Hà Thanh, Trịnh Công Sơn và tôi vào khoảng 1972. Lần thu thử này cũng chỉ với một cây đàn thùng do Trịnh Công Sơn đàn đệm. Tuy nhiên những bài ca này đã được thu âm chính thức cùng năm 1972 tại phòng thu Pat Lâm ở Chợ Lớn qua sự trình bày của ba giọng ca nữ là Vân Hòa/Vân Quỳnh/Vân Khanh là những ái nữ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang và hai giọng ca nam là Trịnh Công Sơn và tôi. Cũng với tây ban cầm Trịnh Công Sơn đệm nhạc chính, tôi phụ đệm và một người khác cầm phách gõ nhịp. Băng nhạc này đã được phát hành rộng rãi sau đó do người em ruột của Trịnh Công Sơn là anh Trịnh Xuân Tịnh thực hiện và coi sóc. Anh và bạn đọc có thể vào nghe lại băng nhạc này trên mạng www.saigonline.com hoặc www.nhaccuatui.com

4. Trong bài viết về sự ra đời của Quán Văn, ông có nhắc đến một số quán văn nghệ khác theo kiểu Quán Văn, như Thằng Bờm, Hầm Gió, Hội quán Cây Tre. Một số băng nhạc Hát cho Quê hương Việt Nam do Hội quán Cây tre phát hành. Sinh hoạt của Hội quán Cây Tre và Quán Văn giống nhau và khác nhau ra sao?

- Quán Văn hầu như được thành lập từ công, sức và tim óc của một số bạn trẻ nhiệt thành, tự nguyện cả về phương tiện vật chất lẫn tài chánh cho nên mang dáng vẻ văn nghệ thuần chất, nguyên thuỷ và trẻ trung, nói nôm na là hơi “bụi đời” một chút. Thằng Bờm ra đời cũng cùng trong ý hướng đó, được dựng nên ở một địa điểm khác, vẫn do một hai anh em thành viên của Quán Văn chăm sóc. Đến Hầm Gió do Nam Lộc điều hành, rồi Hội quán Cây Tre, do Phạm Văn Sơn là một người anh của Khánh Ly trông coi thì đã nhạt dần tính chất văn nghệ thô sơ lúc ban đầu của Quán Văn. Các quán này trang hoàng nội thất trang trọng, có hơi hướm phòng trà và nghiêng về mục đích thương mãi. Ở Hội quán Cây Tre thường trực có Khánh Ly, Vũ Thành An, Thế Dung v.v… ca diễn. Bộ ba Giang/Sơn/Toại (Hoàng Xuân Giang, Hoàng Xuân Sơn, Ngô Vương Toại) chúng tôi dù là tài tử cũng có đến Cây Tre hát chơi đôi lần những bài ca trong Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời.

5. Có người cho rằng nhạc viết về quê hương, về chiến tranh của Trịnh Công Sơn mang tính phản chiến, thân cộng nên bị cấm, bị kiểm duyệt nhưng trong các tiệm sách lại thấy bày bán Kinh Việt Nam, Ca khúc Da Vàng. Ông có biết gì về việc nhạc Trịnh Công Sơn bị cấm, hay kiểm duyệt?

- Một dấu hỏi lớn? Thật tình tôi cũng lấy làm lạ là trong quá trình hoạt động ca nhạc của Trịnh Công Sơn, từ việc phát hành sách nhạc đến việc trình diễn trước công chúng hầu như thoát khỏi bàn tay kiểm duyệt. Trong lúc sách báo miền nam Việt Nam vẫn phải chịu sự kiểm soát của lưỡi kéo này nếu mang nội dung bất lợi như phản chiến, thân cộng chẳng hạn. Có sự bảo bọc, che chở nào lớn lao chăng? Nhưng tôi e cũng khó lòng, vì mỗi cơ quan công quyền đều độc lập trong việc hành xử quyền năng của mình, không dễ dầu gì can thiệp nội bộ. Họa chăng chính quyền đương thời giả bộ tảng lờ với dụng ý giăng một mẻ lưới tóm gọn những thành phần thân cộng hoặc cộng sản nằm vùng lợi dụng thời cơ lỏng lẻo để thò đầu vẫy đuôi?

6. Có những sinh hoạt với sinh viên thời bấy giờ, có bài hát nào về quê hương, chiến tranh hay thân phận mà đến nay ông còn thuộc lời ca?

- Chiến tranh đã làm cho con người quá ngao ngán, mệt mỏi, lo sợ… nên cho dù bất cứ ai vẫn luôn luôn khao khát có được một đời sống yên lành. Tôi nhớ vẫn thường hát chung với anh chị em sinh hoạt cùng thời những lời ca mà tôi thấy không phải là ru ngủ, mà như có một cái gì đó đánh động lòng người thẳm sâu:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ để lại cho con
gia tài của mẹ một nước Việt buồn…


hoặc:

Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
giọt nước mắt thương anh trên vận nước điêu linh
giọt nước mắt quê hương ôi còn chẩy miên man… 


và niềm mơ ước:

Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng
Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng
và mong sẽ quên chuyện non nước mình. 


Như anh Phú thấy đó, dù nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn hay nhạc tác động dựng xây của Nguyễn Đức Quang:

Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề nữa rồi
phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới… 


hay:

Xin vươn vai ngó nhau cho gần
đi hiên ngang bước hai chân trần
nhìn nhau ta nói thơm cho người Việt Nam…


thì cũng vẫn đứng chung được, hòa hợp được trên mảnh đất Quán Văn nhỏ bé hay trong môi trường sinh hoạt thanh niên sinh viên rộng lớn hơn nơi các khuôn viên học đường. Tôi nghĩ đó là những bài ca đầy nhiệt huyết, xuất phát từ tận đáy tim, từ những tấm lòng còn mang nặng nợ quê hương đất nước.

7. Ông có thể kể lại một vài sinh hoạt với Trịnh Công Sơn ở Quán Văn còn in đậm trong kí ức?

- Chúng tôi, những người bạn Quán Văn cùng Trịnh Công Sơn, ngoài những việc vàng riêng tư và những giờ sinh hoạt chung cho quán, thường có những ngày cuối tuần tà tà thả bộ rong chơi ngắm phố phường, la cà những quán xá khác như Chung Nhuận Hi, Phạm Thị Trước, Givral, Brodard, nhưng đa số chọn Cái Chùa – La Pagode – làm nơi gặp gỡ, đấu láo. Đêm về, sau khi vãn khách, bọn chúng tôi lại quây quần dưới mái nhà dù dã chiến của Quán Văn, với thau rượu lớn múc chuyền tay, kể chuyện, ngâm thơ, đàn hát cho nhau nghe, có khi thức tới trời rạng sáng với một vài người bạn phương xa ghé thăm. Bầu không khí thật là thân thiện, ấm cúng đã để lại quá nhiều kỷ niệm êm đềm. Kỷ niệm mà Hoàng Ngọc Tuấn đã thao thức cùng và viết nên những thiên truyện thơ mộng, ngậm ngùi như Ở một nơi ai cũng quen nhau, Vĩnh biệt phố… Sinh hoạt đáng nhớ? Không, nói đúng hơn kỷ niệm sâu sắc, gắn bó chính là những lần tôi xâm mình ôm đàn thế Trịnh Công Sơn đệm cho Khánh Ly hát trước công chúng dù chỉ với vài ba gam quờ quạng.

8. Trong thời gian sinh hoạt với nhau có bao giờ anh nghe Trịnh Công Sơn tâm sự nhạc sĩ nhìn cuộc chiến tranh ra sao?

- Không! hiếm khi anh Sơn bộc bạch tâm sự về chiến cuộc vì hầu hết quan niệm của anh đã biểu tỏ trong lời ca. Trịnh Công Sơn cũng thường dẫn giải cho chúng tôi những lời ca của anh, cho dù tưởng tượng, cũng có khi rút từ kinh nghiệm và hoàn cảnh thực tế. Ví dụ: “Mưa hồng” là con đường rưng rưng phượng đỏ. “Hàng cây lá xanh gần với nhau” là những tàng cây long não trên đường Lê Lợi – Huế. “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng” là buổi chiều nắng đã tắt dưới thấp, chỉ còn những đọt nắng chạy dài trên hàng cây cao… Hoặc trong ca khúc “Hát trên những xác người” sáng tác sau Mậu Thân: Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, chị vỗ tay hoan hô hoà bình, người vỗ tay cho thêm thù hận, người vỗ tay xa dần ăn năn, mà có người cho là vô lý, thì chính là hình ảnh thấy được trong cuộc chiến Mậu Thân – một bà mẹ chạy theo xe kéo xác con, vừa khóc kể vừa cười sằng sặc, vừa vỗ tay hò hát như người điên.

9. Trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã viết:
Ðêm nay hòa bình sao em nhỏ chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngập người
Ðêm nay hòa bình không nụ cười trên môi
Nhìn quanh em không ai còn lại
Không ai còn lại
Ru đỡ tình người cho có đôi…
Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui
Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người
Ðêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như kinh
Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh
Ru me một mình
Ru mẹ một mình ôm bóng đêm… 


Dường như nhạc sĩ đã biết về một ngày hoà bình đến trên quê hương buồn như thế. Sống ở Việt Nam sau ngày chiến tranh chấm dứt 30.4.75. Nhìn lại, ông có những suy nghĩ gì, nhận xét gì về đất nước?

- Người ta thường nói thi sĩ là người có cái nhìn tiên tri, thấu thị những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, một người viết ca từ đầy ắp chất thơ; cũng có người gọi ông là thi sĩ, cho nên giống như anh Phú đã nhận xét, người nghệ sĩ này đã cảm nhận được một ngày hoà bình buồn thảm sẽ đến trên quê hương mình.

Duyệt lại một vài lời ca của Trịnh Công Sơn trong Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời, dù đã nhuốm chất da cam, nghiêng về một phía, tôi bỗng có một vài phân tích ngồ ngộ thế này. Ví dụ điểm lời bài ca “Huế Sài Gòn Hà Nội”:

Huế Sài Gòn Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ?
Triệu chân em, triệu chân anh, HỠI BA MIỀN VÙNG LÊN CÁCH MẠNG…


Nếu cho là lời ca này vào thời điểm sáng tác, trên vùng đất miền Nam tự do, có lợi cho cộng sản thì liệu phía bên kia có chấp nhận hay không vì tác dụng phản tuyên truyền: miền Bắc đã là cái nôi của cách mạng thì làm gì có chuyện cả ba miền cùng vùng lên làm cách mạng, để lật đổ cái gì?

Ngược lại, nếu tiếp tục điểm lời ca của bài hát này:

Đường đi đến những nơi lao tù
ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ
dân ta về cầy bừa đủ áo cơm no…


rồi:

Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một lòng
bước ra ngoài một lần diệt vong dựng mái nhà chung


Liệu đây có phải là một lời tiên tri khác cho một nước Việt Nam mới trong tương lai, khi mà cuộc sống hiện tại của đa số dân mình vẫn còn lầm than đói khổ và họa diệt vong lăm le đến từ Bắc phương?
Tôi nhớ lại một đoạn thơ mình viết trước 75 về cái ước vọng hòa bình cho một cuộc sống an lành trên quê hương mình, trong ý nghĩa phản chiến phân tích ở trên:

[Hoà Bình Mở Cửa]
Mở tung cánh cửa ra ngoài nắng
Tôi nghe tiếng người la dậy dưới đường
Hoà bình đến thật sao? trong lòng choáng váng
Tôi hét to như thể chưa từng!

Tôi bước chân không chạy ra ngoài phố
Vì mừng vui chẳng kịp xỏ giày
Tôi thấy nhiều người còn mang áo ngủ
Để mơ cùng hạnh phúc ở đầy tay


Thật sự đất nước sau chiến tranh không hoàn toàn được như thế. Ghi lại một vài đoạn thơ viết sau 75 như một trả lời cho câu hỏi này của anh:

[nhật ký]
tôi chạy hoài chạy hủy
trên vùng trí tưởng tôi lạ kỳ
mang tôi chân đà điểu – trái tim ngựa hồng
đi tìm một bóng dáng mùa xuân
trôi mơ hồ dĩ vãng
khi đời sống rào khung định mệnh
Tự Do bị kết án tử hình


[chỉ có một thứ hạnh phúc đổi đời chạy rông ngoài phố]
có con người sớm mai hớp hớp vài ngụm tín điều tưởng mình no vừa bụng đói
có bầy thú tối chiều ngáp ngáp thu không
mộng mơ rù rì trên đỉnh đầu thập ác
ngày hát lại điệp khúc tự trào
cười ra nước mắt
ôi vầng dương dập tắt hôm nào
khi chủ nghĩa nhuốm kinh thành đỏ ối


HoàngXuânSơn
1978-2011

10. Thơ của anh như thế rất tương phản với ca từ nhạc Trịnh:

Khi đất nước tôi không còn giết nhau
trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường
mọi người ra phố mời rao nụ cười…

Sau năm 1975 có dịp gặp lại Trịnh Công Sơn ông có nghe nhạc sĩ nói về Ca khúc Da vàng, về “Nối vòng tay lớn” trên đài Sài Gòn? 

- Đúng là có tương phản anh ạ! Một đàng là niềm mơ ước chưa thành hình, một đàng đã là “hiện thực xã hội chủ nghĩa.” Không! Sau 75 Trịnh Công Sơn chỉ vui chơi với anh em, bạn bè và không nhắc chuyện cũ, không đả động chuyện mới. Xem như một thời đã qua.

11. Trong một bài viết của ông ghi lại tình cảm với bạn bè cũ, ông có viết rằng sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 Trịnh Công Sơn có ghé qua nhà ông, kêu ông cùng lên đài hát “Nối vòng tay lớn” nhưng ông không đi. Tại sao ông không cùng đi với Trịnh Công Sơn?

- Nếu anh Phú đọc kỹ phóng bút “Vạn nẻo mây tần” của tôi đã đăng trên damau.org sẽ thấy những ngày trước 30 tháng 4 năm 75 bọn công chức chúng tôi lo sợ, nao núng và vạch con đường CHẠY LOẠN. Sau đó gia đình tôi cũng tìm cách chen chân vào Tòa Đại sứ Mỹ để LÁNH NẠN như nhiều gia đình khác. Hành động này chắc chắn là bị phía bên kia lên án là hèn nhát, phản động, ôm chân đế quốc v.v… Lúc Trịnh Công Sơn chạy ngang nhà rủ tôi lên đài hát “Nối vòng tay lớn”, tôi từ chối không đi, trước hết có lẽ do bầu không khí hỗn loạn lúc bấy giờ đã làm cho mình mang một tâm trạng cực kỳ hoang mang. Và sợ hãi. Và không muốn làm bất cứ một điều gì khi tâm trí đã bất định. Hơn nữa trong sâu xa, trong tận cùng tâm khảm đã có sự chọn lựa: chọn đứng về phía ngôi nhà đã nuôi dưỡng, che chở mình, cho dù mọi cánh cửa đã bị khép lại. Ngôi nhà ấy dù có dột nát đến đâu cũng đã bảo đảm cho mình một quyền năng tối thiểu: quyền năng được làm người.

12. Sau đó ông đã nhận tin miền Nam đầu hàng bằng cách nào?

- Hôm 30 tháng 4 năm 75 tôi có nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, vị tổng thống sau cùng của thể chế Việt Nam Cộng hoà. Trong lúc ruột rối tơ vò, tôi không nhớ rõ là có phải mình đã được nghe tin tức giờ phút cuối của miền Nam Việt Nam qua chiếc máy phát thanh được ai đó vặn lớn trong nhà? Chắc vậy! Cụ thể là một mình trên gác, với nỗi buồn mất mát choáng ngợp làm lệ rơi! Rồi không thiết gì nữa!

13. Trong khoảnh khắc đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phát biểu và hát bài “Nối vòng tay lớn”. Ông có nghe được những điều đó trên đài phát thanh và cảm nhận của ông lúc đó thế nào? 

- Tôi biết là Trịnh Công Sơn có lên đài hát “Nối vòng tay lớn” vì có được rủ rê, nhưng không được nghe tiếng hát của anh ấy cùng những lời tuyên bố gì gì sau đó.

14. Những năm ngay sau 1975 dư luận về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ông nghe được trong thời gian đó ra sao?

- Tôi đã ở lại và sinh sống trong chế độ mới gần bảy năm nên cũng có ghi nhận được đôi điều tai nghe mắt thấy hoặc rút từ kinh nghiệm bản thân.

Đa số những người được kể là có công với cách mạng, hoạt động nằm vùng, nhảy bưng… sau 75 không được kể là công thần chế độ, chỉ được giao những chức vụ ngồi chơi xơi nước, không có thực quyền và lần hồi chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt, những chiếc vỏ được bóc đi, vứt bỏ không thương tiếc. Điều này chắc ai cùng rõ. Phương chi những thành phần thân cộng, theo đuôi, được mệnh danh là dân 30, chỉ là đồ bỏ. Trịnh Công Sơn cũng không ở ngoài trường hợp này. Anh đã bị dẫn độ về Huế tham gia học tập cải tạo và lao động xã hội chủ nghĩa, suýt nguy hiểm tới bản thân vì đi gỡ mìn trên các bãi hoang. Chỉ sau khi Trịnh Công Sơn trở lại Sài Gòn, tham gia vào Hội văn nghệ Thành phố và được sự che chở bao bọc của ông Võ Văn Kiệt, một quyền chức cao cấp đương thời, do nguyên nhân nào không rõ, đời anh mới phất lên được.

Sau tháng 4.75, điều mà nhiều người mơ tưởng là chu kỳ “người mới – việc mới – vận hội mới” đang tới, thiệt ra chỉ là ảo vọng. Mọi trật tự xã hội, nấc thang giá trị lúc bấy giờ đều bị đảo lộn. Về âm nhạc, tất cả cái gọi là “nhạc vàng” thời cũ đều bị cấm đoán. Chỉ nghe ra rả một loại nhạc “hùng,” chiến đấu lai Tàu. Một vài năm sau cũng chưa có sáng tác nào ra hồn.

Trịnh Công Sơn cho ra đời hai nhạc phẩm tạm gọi là ve vuốt, theo đuôi chủ mới là “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,” những tưởng là được chấp nhận cho phổ biến. Nhưng không! hoàn toàn không! Hai ca khúc này đều bị cấm trình diễn trước công chúng, có văn bản xếp hạng nằm trong những tác phẩm văn nghệ còn mang nặng tính tư sản, tàn dư của chế độ cũ.

Em ra đi nơi này vẫn thế,
vẫn có em trong tim của mẹ,
thành phố vẫn có những ước mơ,
vẫn sống thiết tha
vẫn lấp lánh HOA trên đường đi… 


Không! không hẳn thế đâu! “lấp lánh hoa”! hoa gì? Hoa [nặng] họa thì có!

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
chọn những bông hoa và những nụ cười
tôi đợi em về, mời em giữ lấy
để lá reo mừng tựa vẫy tay… 


Không! làm gì có niềm vui nào cao cả và to tát hơn là phục vụ cách mạng, Đảng và Bác. Chính ca khúc này của Trịnh Công Sơn cũng đã được đổi lời như một sự châm biếm, tự trào, cười ra nước mắt, song song với phong trào nhạc chế, nhạc cải biên rộ ra ngoài dân gian:

Chả là sau “giải phóng,” cả nước vùi đầu vào hơi men, bàn nhậu cho quên mọi sự!

Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi
Từ sáng tinh mơ nhậu tới chiều mờ
Tôi nhậu với ai? mà tôi quên hết
Nhậu tới khi nào gục mới thôi!…


Sau khi được thế lực lớn bảo bọc, và dây trói bắt đầu được nới một tí Trịnh Công Sơn dần dà sáng tác đều trở lại. Thời kỳ này có đôi bài ca phục vụ, ca ngợi chế độ mới như “Bài ca đường tàu Thống Nhất,” “Em là thế hệ rạng rỡ đóa hoa” hẳn nhiên phải có, song song với những ca khúc vô thưởng vô phạt như “Em ở nông trường Em ra biên giới,” “Như hòn bi xanh,” “Chiều trên quê hương tôi” hay nhạc phim “Đời gọi em biết bao lần”… Đó là nhạc nổi. Còn nhạc chìm Trịnh Công Sơn? Anh vẫn viết thật với lòng mình, lưu truyền hạn chế giữa nội bộ anh chị em bằng hữu văn nghệ những ca khúc về tình yêu, thân phận còn nguyên chất Trịnh Công Sơn khởi thủy như: “Một cõi đi về,”“Cõi tạm,” (Ở trọ) “Lặng lẽ bên đời,” “Giọt lệ thiên thu,” “Bay đi thầm lặng”… và sau này “Tôi ơi đừng tuyệt vọng,” “Tiến thoái lưỡng nan,” mang tâm trạng của kẻ xuống tinh thần “dùng dằng nửa ở nửa về.”

Công tâm mà nói, những người làm văn nghệ có tiếng cũng như dân chúng miền Bắc tất cả đều rất hâm mộ Trịnh Công Sơn và sau này thế hệ trẻ hầu như cả nước. Những khuôn mặt lớn như Văn Cao, Nguyễn Tuân… và những người văn nghệ trẻ hơn cũng lần lượt vào Nam tìm thăm Trịnh Công Sơn và kết thân với anh.

15. Bài “Tình khúc ơ-bai” có lời:

Tôi đi bằng nhịp điệu. Một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu. Sáu bảy tám chín mười
Ta đi bằng nhịp điệu. Nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu. Nhịp điệu sao khác mầu
Sông cạn đá mòn. Sông cạn đá mòn
Làm sao ta gặp. Làm sao ta gặp được nhau

“Em” trong ca từ nhạc Trịnh thì khó mà biết được nhạc sĩ muốn nói đến ai. Bài này, qua các phỏng vấn, Tiêu Dao Bảo Cự cho biết Trịnh Công Sơn viết năm 1988 về một phụ nữ dân tộc trên vùng Lâm Đồng. Khánh Ly nói “ơ-bai” có nghĩa “không được đâu”. Còn cựu Trung tá Bùi Đức Lạc cho rằng đó là xác định lập trường cộng sản rõ nhất của nhạc sĩ. Theo nhận xét riêng, Trịnh Công Sơn đã sử dụng tài tình bốn chữ “Sông cạn đá mòn” từ một câu nói rất phổ thông của ông Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lí đó không hề thay đổi”. Ông có biết hay có lý giải gì về ca khúc trên? 

- Tôi đi khỏi Sài Gòn năm 1981. Có nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác sau đó tôi không được rõ, chỉ đọc loáng thoáng đâu đó. Tôi không quan tâm lắm những bài nhạc thuộc loại trả bài hoặc theo đơn đặt hàng của Trịnh Công Sơn.

16. Trịnh Công Sơn sau thời gian khốn khó ở Huế, vào Sài Gòn nghe nói ông cũng bị bao vây bởi những người của nhà nước một thời gian dài. Là bạn cũ của nhạc sĩ ông thấy điều này đúng không?

- Nói Trịnh Công Sơn bị bao vây một mình cũng không đúng vì hầu như ai cũng bị bao vây. Cho dù anh được che chở bao bọc, nhưng cũng không phải là công thần chế độ nên cũng gặp khó khăn như mọi người thôi. Có điều là ở Sài Gòn dễ thở hơn Huế vì Huế là thí điểm đầu tiên của xã hội chủ nghĩa.

17. Các em của Trịnh Công Sơn sau 75 cũng vượt biển như bao nhiêu người Việt khác. Có bao giờ ông nghe Trịnh Công nói về những người đã bỏ nước ra đi?

- Sau 75 chuyện vượt biên, chuyện đi tù, chuyện ở lại bươn chải mưu sinh bằng mọi cách đã là chuyện bình thường. Trịnh Công Sơn cũng biết trước tụi tôi sẽ ra đi nhưng anh không hề thắc mắc. Mọi người đều chạy xoay quanh cái vòng luẩn quẩn như đèn kéo quân. Anh chỉ muốn vui chơi những ngày còn lại.

18. Một bài hồi tưởng trong phóng bút “Cũng cần có nhau” ông viết rằng trong đêm văn nghệ của sinh viên văn khoa vào ngày 20.12.1967, sinh viên đã đồng ca:

Người nô lệ da vàng
ngồi yên ngồi yên trong căn nhà nhỏ
đèn thắp thì mờ.
Ngồi yên quên nước quên non
ngồi yên xin áo xin cơm.
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích
vô hình trói buộc đôi chân.
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích
vô hình trói buộc hờn căm…

Sau đó có cán bộ thành đoàn cộng sản lên cướp mi-crô, bắn trọng thương anh Ngô Vương Toại. Buổi hát đó có Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là chính. Nhạc sĩ có tâm sự hay chia sẻ gì với ông về biến cố này?

- Thiệt ra không phải là sinh viên đồng ca. Bài này chỉ có Trịnh Công Sơn, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang và tôi hát chung, là những người cùng cư ngụ trong khuôn viên Đại học Văn khoa, trụ sở CPS. Sau vụ Ngô Vương Toại bị bắn, Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ sự sợ hãi và chán ghét bạo loạn. Dù hạn chế di chuyển, anh cũng đã nhiều lần tìm cách vào bệnh viện Bình Dân viếng thăm và an ủi Ngô Vương Toại lúc nhân vật này còn nằm điều trị tại đây.

19. Nghe nói Trịnh Công Sơn đã viết một ca khúc cho anh Ngô Vương Toại về biến cố này. Bài hát đó đã có bao giờ được trình diễn trong sinh hoạt văn nghệ của sinh viên hay trước công chúng?

- Sau khi Ngô Vương Toại bị đạn thù của phía bên kia bắn gục, Trịnh Công Sơn đã sáng tác “Nhân danh ai” dành cho nhân vật này, nội dung lên án hình thức sử dụng bạo lực để cướp mạng sống con người, đồng loại:

Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người,
trong mắt em trong mắt anh hãi hùng đầy
xin nhân loại một ngày,
nhủ lòng thương mến nhau thôi…
Nhân danh ai anh đến đây giết một người,
cho máu em cho máu anh tuôn tren da thịt này…


Bài này chỉ mình Trịnh Công Sơn và bạn bè anh hát riêng cho Ngô Vương Toại. Chưa bao giờ được trình diễn trước công chúng.

20. Chuyện Trịnh Công Sơn được hoãn dịch hay trốn lính, theo hiểu biết của ông ra sao?

- Chuyện Trịnh Công Sơn trốn lính là có thật! Anh không hề có một giấy tờ hoãn dịch nào lận lưng. Thời còn ở CPS/Quán Văn, mỗi khi cần đi đâu bằng xe gắn máy, rất hạn chế và thường là do Trịnh Xuân Tịnh em ruột của anh đèo đi. Trịnh Công Sơn rất thận trọng, dặn Tịnh luôn luôn dòm trước ngó sau lúc di chuyển để tránh những nút chặn của cảnh sát, quân cảnh… Thông thường thì anh chỉ thả bộ quanh quanh phố phường vui chơi với bạn bè. Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đã là một khuôn mặt được nhiều người biết đến, theo lời anh kể lại, có hôm bị quân cảnh chặn xét giấy tờ, viên chức kiểm soát nhận ra anh và để cho anh đi thay vì bắt giữ.

Ngược lại, một điều khôi hài là Trịnh Công Sơn lại “quen lớn” với nhiều nhân vật trong chính quyền lẫn quân đội, đặc biệt là Không quân, như Chuẩn tướng Lưu Kim Cương mà khi tử trận được Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc chiêu niệm “Hát cho một người nằm xuống” nhiều người biết, như Đại tá Phan Phụng Tiên, Thủ tướng và sau là Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ… Nhớ có lần tôi đã được tháp tùng Trịnh Công Sơn với một số bằng hữu văn nghệ – có xe quân cảnh hụ còi đưa rước – vào phi trường Tân Sơn Nhất, đến câu lạc bộ Mây Bốn phương dự dạ tiệc do Tướng Kỳ khoản đãi. Đêm hôm ấy có Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Miên Đức Thắng, Ngô Vương Toại, Trần Xuân Kiêm (Chơn Hạnh), Hoàng Thi Thao, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Giang. Một lần khác, từ Huế vào Đà Nẵng thăm bạn là Quý Thuận được di chuyển bằng công xa của Ty Cảnh sát Thừa Thiên có cận vệ đi theo. Chuyến đi có Trịnh Công Sơn, Trịnh Quang Hà, em của Sơn, Nguyễn Thế Phồn, em Thiếu tá Nguyễn Thừa Dzu, Phạm Nhuận và tôi.

Sau một thời gian trốn quân dịch, đa số là ẩn náu tại Quán Văn, Trịnh Công Sơn theo lời khuyên của bạn bè thân cận đã nhịn ăn, xuống cân, ra trình diện nhập ngũ, được trả về vì không đủ tiêu chuẩn. Sau đó hình như anh được hoãn dịch vì lý do sức khỏe?

21. Ông có xem phim Đất khổ về cuộc đời Trịnh Công Sơn trước năm 1975 chưa? Xin ông cho biết ý kiến.

- Tôi chưa được xem phim Đất Khổ. Nhưng thời gian thực hiện phim này, tôi hay đi với anh Sơn đến nhà đạo diễn Hà Thúc Cần, lúc này anh Lưu Nguyễn Đạt hay đưa Trịnh Công Sơn lui tới bằng xe hơi. Tôi chỉ có một góp mặt nhỏ trong phim này, nơi đám đông sinh viên phản chiến, nhưng nghe nói cũng có tên ghi trong thành phần phụ diễn.

22. Trịnh Công Sơn đã viết trong thời chiến tranh:

Bao nhiêu năm còn nô lệ
Anh em ta nhận vũ khí
Quê ta bãi hoang chiến trường
Diệt nhau như thú
Trôi bao nhiêu dòng máu đỏ
Bao yêu thương lùi trong quá khứ
Ôi giấc mơ thanh bình còn quá xa…
[Hát cho quê hương Việt Nam, cuốn số 5]

Nhưng có người cho rằng cho rằng Trịnh Công Sơn bênh vực hay đứng về phiá cộng sản. Nhận xét của riêng ông ra sao?

- Mọi tranh cãi về vị thế chính trị của Trịnh Công Sơn đối với đất nước Việt Nam cho tới giờ phút này dường như vẫn chưa ngả ngũ. Trịnh Công Sơn là quốc gia hay cộng sản? Chung quanh vấn đề này đã xuất hiện nhiều bài viết từ nhiều phía: phía binh vực Trịnh Công Sơn rất hiếm hoi, phía quy kết là cộng sản gộc hay “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” thì rất đông đảo, phía những người thương và hận Trịnh Công Sơn tức vẫn yêu nhạc Trịnh nhưng hận ông về sự lựa chọn phản bội; và cánh hùa theo đánh hôi Trịnh Công Sơn để tự đánh bóng mình đông đảo không kém.

Theo nhận định rất chủ quan của tôi, với tư cách một người bạn đã từng sinh hoạt chung với nhau nhiều năm: THỜI ĐIỂM BẤY GIỜ Trịnh Công Sơn chưa hề là cộng sản! Những ca khúc của anh, cụ thể là Ca khúc Da Vàng, chỉ mang tính chất phản chiến, cho dù có quy kết những ca khúc này làm lợi cho địch, cũng không thể chối bỏ khuynh hướng nhân bản chống lại cuộc chiến phi nhân tương tàn. Nếu Trịnh Công Sơn là một cán bộ cộng sản gộc, có bề dày tuổi đảng, thì không thể viết: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày…” Trừ trường hợp, là giả thiết, Trịnh Công Sơn là một điệp viên cộng sản cao cấp, che dấu hết mọi căn cước của mình để ăn dầm ở dề trong lòng địch làm công tác ru ngủ đối phương tạo thành tích lớn cho “cách mạng.” Tôi không tin như thế. Vì quả đúng vậy thì Trịnh Công Sơn sau 75 sẽ trở thành một anh hùng dân tộc của phía bên kia. Nhưng Trịnh Công Sơn không hề được công kênh và chỉ là một con chốt trên bàn cờ thí.

Sau này, khi gặp lại Trịnh Công Sơn một lần duy nhất ở Canada, một vài bạn cũ, và chính tôi cũng nhận thấy anh có phần biến chất: một người đã từng được hưởng ơn mưa móc của chế độ mới qua cách suy nghĩ, diễn đạt và ứng xử. Như thế, từ thời điểm này, bảo Trịnh Công Sơn là người của cộng sản cũng không ngoa.

Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Võ Văn Kiệt, Trịnh Công Sơn

23. Trịnh Công Sơn có nhiều người yêu và nhiều cuộc tình đổ vỡ. Quen thân với nhạc sĩ cũng như Khánh Ly, theo ông quan hệ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ra sao?

- Anh Phú có tin là giữa người nam và người nữ kề cận nhau mà chỉ có tình bạn không thôi? Chuyện khó tin mà có thật: Trường hợp Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Hai người đã sinh hoạt khăng khít biết bao nhiêu năm mà không hề nảy nở một tình yêu trai gái thì cũng kể là lạ. Tôi thấy Trịnh Công Sơn chỉ xem Khánh Ly như một người bạn, đối xử như một người em với lòng thương mến trong gia đình ruột thịt. Ngược lại Khánh Ly lúc nào cũng THƯƠNG – tôi viết hoa chữ “thương” – và vô cùng kính nể anh Sơn. Lúc Khánh Ly mới đến với bằng hữu Quán Văn, không hiểu sao tất cả bọn tôi đều xem Lệ Mai – tên thật của Khánh Ly – là một người bạn đáng mến, có lẽ tại tính tình thẳng thắn, cởi mở và hòa đồng của Khánh Ly. Nàng không nề hà thức khuya dậy sớm với bọn tôi, cơm hàng cháo chợ, thậm chí chui vào rạp xem xi nê hạng bét vừa xem vừa gặm bánh mì. Rất nhiều đêm sau sinh hoạt ca ngâm hát hò với nhau, Khánh Ly đã ở lại Quán Văn, ngủ lại, một mình thân nữ giữa đám bạn trai nằm la liệt mà không hề có chuyện gì xảy ra. Đúng là “như chuyện thần tiên” phải không anh Phú?

24. Mới đây, trong nước có xuất bản cuốn Thư tình gửi một người với khoảng 100 bức thư Trịnh Công Sơn viết cho Ngô Vũ Dao Ánh trong thời gian dậy học ở B’Lao. Cuộc tình này dường như nhạc sĩ giữ rất kín, vì người ở chung phòng là Nguyễn Thanh Ty cũng không biết gì nhiều. Ông có bao giờ nghe nói về chuyện tình này?

- Thời gian Trịnh Công Sơn ở Quán Văn, thỉnh thoảng có thấy Dao Ánh đến thăm anh. Đây là một người nữ có dáng dấp thướt tha, kiêu sa, qúi phái. Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi thấy Trịnh Công Sơn bồn chồn, quýnh quáng như mới hẹn người yêu lần đầu. Anh công nhận cuộc tình này và cho biết anh soạn “Hạ trắng” là dành riêng cho Dao Ánh – “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.” Đó là một tình yêu lớn, với lời hẹn thề tận mãi kiếp sau. Bọn tôi vẫn thường chọc Trịnh Công Sơn về chuyện tình này là “Diễm xưa/Ánh nay” vì Dao Ánh là em của Bích Diễm.

25. Có người cho rằng nhạc sĩ đồng tính, có người nói ông bất lực. Trong tác phẩm Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thanh Ty kể lại một lần đi chơi gái, Trịnh Công Sơn đánh rất mau, rút rất lẹ. Có người nói nhạc sĩ có 3 trái thận. Là bạn với nhạc sĩ, ông thấy chuyện tình cảm, tâm sinh lý của nhạc sĩ ra sao?

- Tôi thấy cũng bình thường.

26. Nhận xét của riêng ông về con người Trịnh Công Sơn?

- Trịnh Công Sơn dáng người tầm thước, da ngăm ngăm nhưng thần thái khá rạng rỡ. Anh ăn bận hơi chải chuốt nhưng nom lãng tử, nghệ sĩ với mái tóc bồng và đôi kính cận tròn gọng đồi mồi. Nói chung, bề ngoài anh nhìn dễ mến. Đặc biệt Trịnh Công Sơn có hai bàn tay với mười ngón tháp bút thật đẹp. Có phải tinh hoa phát tiết từ đây theo tướng số? Anh Sơn ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng khúc chiết và có sức thuyết phục. Anh đối xử với bạn không đơn sơ hờ hững, nhưng cũng không vồ vập thái quá. Ở anh, ta thấy được sự chân tình và đáng tin cậy trong giao tiếp. Tuy nhiên tính tình Trịnh Công Sơn hơi nhút nhát, hay sợ hãi, nễ vì, sợ mất lòng bạn. Có lẽ đây vừa là ưu điểm, tạo được lòng quan tâm, quý mến đưa đến sự che chở, bảo bọc của người khác, mà cũng là khuyết điểm của anh, bị kẻ dấu lợi dụng, bắt nạt, dụ dỗ, dễ yếu lòng nghe theo. Cụ thể là đám bạn nhảy bưng, nằm vùng như đã nêu.

Đối với những bằng hữu văn nghệ nhỏ tuổi hơn, Trịnh Công Sơn luôn luôn đối xử như bạn bè ngang vai vế, không hề có thái độ đàn anh, không hợm hĩnh dù anh rất thành công.

Trịnh Công Sơn đã có được sự ưu ái của những nhân vật cao cấp của cả hai chính quyền, hai chế độ. Tôi nghĩ chắc hẳn anh cũng phải có điểm son đặc biệt nào đó, ví dụ như lòng chân thành và sự chung thủy trong giao tiếp bạn bè.

27. Người Việt ở Canada, nơi ông sinh sống theo ông có những cách nhìn ra sao về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Ở Canada, Montréal là cụ thể nơi tôi sinh sống thì hát nhạc Trịnh cũng nên dè dặt. Mặc dù không có sự chống đối nào dữ dội, nhưng khi chọn lựa trình bày nhạc Trịnh trước công chúng như trong các buổi sinh hoạt của Cộng đồng người Việt, các hội đoàn chính trị, quân nhân… thì cũng có lời khuyên chung chung, truyền miệng nhau là nên kiếm bài bản khác. Tuy nhiên, gạt ra ngoài vấn đề chính trị, người ca diễn cũng như người nghe vẫn còn ưa chuộng nhạc Trịnh, hát trong vòng bằng hữu, “hát cho nhau nghe,” hoặc ở những hội hè tư nhân thì rất OK! Không như ở một vài thành phố lớn khác ở Hoa Kỳ, nhạc Trịnh đôi khi bị chống đối, tẩy chay; nhưng cũng vẫn được trình diễn trong những show ca nhạc lớn như Asia, Thúy Nga v.v…

Khoảng năm 1991, lúc Trịnh Công Sơn sang Montréal thăm gia đình, đa số các người em của anh định cư tại đây, và gặp gỡ một số bạn bè cũ là một hành vi cá nhân nhưng cũng có sự vận động chống đối người nhạc sĩ này xuất phát từ nhóm Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa từ Toronto, một thành phố khác của Canada, song song với việc kêu gọi tẩy chay cuộc triễn lãm của họa sĩ Võ Đình tại Montréal với sự tham dự của một vài nhân vật thuộc tờ báo Hợp Lưu ở California và nhóm Trăm Con ở Toronto. Nhóm Làng Văn đã quy kết cuộc sinh hoạt văn nghệ này với sự có mặt tình cờ của Trịnh Công Sơn ở Montréal là thân cộng, có bàn tay sắp đạt của cộng sản? Tuy nhiên cũng không có gì đáng tiếc xảy ra. Một bạn văn, cựu cư dân Montréal là anh Đỗ Quý Toàn đã kết luận rằng đây chỉ là “Một cơn bão trong tách trà!”

28. Những lời ca viết cho quê hương của Trịnh Công Sơn thì gây tranh cãi, nhưng nhiều người yêu thích tình ca họ Trịnh. Có một vài bài ca nào của Trịnh Công Sơn mà ông yêu thích? Tại sao ông lại thích những ca khúc đó?

- “Mưa hồng” là bài tình ca đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Lúc được nghe Khánh Ly hát lần đầu tiên, chưa chính thức, lúc chân ướt chân ráo từ Đà Lạt xuống Quán Văn với giọng hát lạ, đầy ma lực. Sau này tôi thích “Quỳnh Hương” vì chất ngọc giản dị và thơ mộng của nó. Cũng có thể nói “Đóa hoa Vô thường,” một tâm khúc khá dài mang chút phong vị thiền. Nói chung, tình ca Trịnh Công Sơn bài nào nghe cũng thấm, nếu chọn được đúng người, đúng giọng.

Tuy nhiên theo tôi loạt nhạc mang nặng chất Trịnh Công Sơn nhất là loạt sáng tác trong Thần thoại Quê hương, Tình yêu và Thân phận. Những ca khúc như “Vết lăn trầm,” “Du mục,” “Phúc âm buồn,” “Lời của dòng sông,” “Cúi xuống” v.v… mang giai điệu kể lể, du mục nhiều hơn, rất hợp với âm vận trầm buồn, đơn thoại của chiếc đàn thùng; gộp lại như một lời kêu trầm thống của kiếp nhân sinh bọt bèo. Loạt nhạc này ít ca sĩ trình diễn vì chắc không hợp với không khí đàn sáo đủ lệ bộ và không gian trình diễn hoành tráng? Về sau một đôi sáng tác của Trịnh Công Sơn có lui về dạng nguyên thủy của thân phận ca này như “Một cõi đi về,” “Lặng lẽ nơi này.”

29. Thời sinh viên ông đã rất văn nghệ, bây giờ nếu có ai yêu cầu ông đàn và hát hai ca khúc của Trịnh Công Sơn, một tình ca và một về quê hương thì đó là hai bài nào?

- Bây giờ vẫn còn văn nghệ anh Phú ơi! (cười). Vẫn hát hò lai rai dù tuổi đời mòn, yếu! Đùa chút thôi. Tình thật lúc nào có sinh hoạt với bạn bè, tôi cũng bắt đầu với “Một cõi đi về” như một thói quen, và nhiều khi cũng được yêu cầu:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…


Không hiểu sao đối với tôi ca khúc này mang một âm hưởng vọng dội ghê gớm: sự hiện diện của cuộc đời, niềm tha thiết, và nỗi trống vắng của hư vô… Có lẽ tại lời ca, cung điệu trầm bỗng theo giọng hát gào thống thiết cùng với sự yến ắng của bạn bè vây quanh?

Nhưng một bài tình ca đúng nghĩa thì phải kể “Quỳnh hương”, ca khúc duy nhất mà tôi thu âm được cho tới giờ này sau khi chia tay Trịnh Công Sơn.

Một bài ca về quê hương? Có lẽ tôi chọn bài ca Trịnh Công Sơn viết sau này về một miền đất quê hương tôi ao ước được ghé thăm mà chưa hề có dịp: “Nhớ mùa thu Hà Nội.”

30. Ông có những nhận xét, phê bình nào khác về Trịnh Công Sơn?

- Có người cho rằng vốn liếng âm nhạc của Trịnh Công Sơn nghèo nàn, không xứng gọi là thiên tài vì giai điệu các ca khúc Trịnh Công Sơn đơn thuần, độc điệu không có gì khởi sắc. Nhưng bởi do đâu mà anh có được sự ngưỡng mộ của đông đảo người nghe? Theo ý rất riêng của tôi, phải chăng những lời lẽ siêu nhiên, trừu tượng, ẩn dụ và khá mới lạ trong ca từ Trịnh Công Sơn:

Bài ca dao trên cồn đá, trên ngai vàng quê nhà…
Đường phượng bay mù không lối vào…
Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng…
Đàn bò vào thành phố gieo buồn tiếng hạt chuông…


Kết hợp một cách kỳ diệu với những cung nhạc bình thường đơn giản, như thầm thì, như kể lể, đi thẳng vào hồn người một cách lạ kỳ: nghe nhạc Trịnh lúc nào cũng thấy lâng lâng ở cõi phiêu bồng!

Thơ, nhạc đơn giản nhưng hay vẫn có giá trị, không cứ phải cầu kỳ, kiểu cách. Thơ, nhạc cao siêu có cái hay riêng, tầng lớp thưởng ngoạn riêng của nó. Nhạc thuật cao là một ưu điểm đã đành. Nhưng tạo được sự kết hợp hài hòa giữa lời ca ý nhạc, chuyên chở đầy, sâu, thu hút lòng người nghe phải chăng là một điểm son khác?

© 2011 Buivanphu
damau.org, 6.05.2011

Bình luận:

Một bài phỏng vấn có giá trị vì người trả lời là người trong cuộc trước 75, là người đã từng gặp gỡ, ca hát và đi chơi với Trịnh Công Sơn. Và lại cũng là người sống ở hải ngoại, có thể trả lời một cách tự do và khách quan. Qua các câu trả lời, ông Hoàng Xuân Sơn đã mô tả màu sắc chính trị của Trịnh Công Sơn. Lúc trước 75 thì chưa đỏ, nhưng sau 75 thì đã “có phần biến chất: một người đã từng được hưởng ơn mưa móc của chế độ mới qua cách suy nghĩ, diễn đạt và ứng xử. Như thế, từ thời điểm này, bảo Trịnh Công Sơn là người của cộng sản cũng không ngoa”. Điều này có lẽ cũng phù hợp với việc Trịnh Cung viết rằng Trịnh Công Sơn có lúc xin gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam, và Phan Kiến Quốc viết rằng vào 1979, khi Joan Baez và nhiều nghệ sĩ Mỹ đăng báo bài phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền thì báo Đất Việt tại hải ngoại đăng lời Trịnh Công Sơn chỉ trích đám nghệ sĩ Mỹ là “tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn.”

Về hai bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, ông Hoàng Xuân Sơn trả lời: “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,” những tưởng là được chấp nhận cho phổ biến. Nhưng không! hoàn toàn không! Hai ca khúc này đều bị cấm trình diễn trước công chúng, có văn bản xếp hạng nằm trong những tác phẩm văn nghệ còn mang nặng tính tư sản, tàn dư của chế độ cũ.”.

Nếu tôi nhớ không lầm thì hai bài hát này đều được được phát ra trên đài phát thanh hàng ngày. Hay là lúc đầu được phát thanh vì ông Võ Văn Kiệt có thế lực tại Sài Gòn rồi sau đó bị Hà Nội có lệnh cấm hay phê phán thế nào thì không biết. Có người nghe bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” lúc đó đã chua chát nói: “Niềm vui thì không cần phải chọn”, ý nói vui thì tự nhiên thấy vui rồi, cần gì phải chọn lựa, còn phải nói lên là chọn lựa thì đó là niềm vui gắng gượng. Một bài hát tùy theo tâm trạng của mỗi người mà người ta có thể hiểu theo các cách khác nhau.

Trên diễn đàn của báo Tiền Vệ, ông Nguyễn Tôn Hiệt đã đưa ra một số chi tiết về hai bài hát trên như sau:
Tôi xin trích lại đây một vài câu chuyện có thật về Trịnh Công Sơn do chính ông ta và những người thân thiết, ngưỡng mộ ông ta, kể lại.

 1. Về hai bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Theo lời tường thuật của Nguyễn Quang Sáng* (bạn thân của Trịnh Công Sơn sau 1975), thì Trịnh Công Sơn đã viết hai bài hát này để phục vụ cho ý muốn của ông Võ Văn Kiệt, trong thời gian ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bài “Anh Sáu Dân với Trịnh Công Sơn”, in trong cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ (nhà xuất bản Trẻ, 2004, trang 173-175), Nguyễn Quang Sáng viết:

Có một lần anh Sáu tâm sự với Sơn “Anh em trí thức ở thành phố mình bỏ đi nhiều quá. Mỗi người mỗi cương vị, làm sao giữ anh em lại, cùng xây dựng đất nước”. Sau đó Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”. Lần thứ hai, anh Sáu nói với Sơn “Trong lúc khó khăn này, làm sao mọi người đều có niềm tin, niềm vui, vượt lên khó khăn để xây dựng Thành phố…” Sau đó, Trịnh Công Sơn cho ra bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.

Bài viết của Nguyễn Quang Sáng còn cho thấy rằng, sau này, khi ông Võ Văn Kiệt càng ngày càng giữ những chức vụ quan trọng hơn, thì Trịnh Công Sơn luôn bám sát theo ông Võ Văn Kiệt mỗi khi có cơ hội:
Sau này anh Sáu về Trung Ương, ở cương vị Phó Thủ Tướng, Thủ Tướng, Cố Vấn BCH Trung Ương Đảng, dù ở cương vị nào, mỗi lần về SàiGòn, ngoài công việc, anh hay gặp gỡ lại bạn bè. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, thường có Trịnh Công Sơn. Những cuộc gặp ấy bao giờ Trịnh Công Sơn cũng ngồi gần anh Sáu, như không thể cách xa nhau.

(Hết phần trích của Nguyễn Tôn Hiệt)

Theo ông Hoàng Xuân Sơn thì việc thâu âm Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời không có Khánh Ly. Khoảng đầu thập niên 70 trở về sau thì thấy có lưu hành băng nhạc với các bài hát trong Kinh Việt Nam và Như Cánh Vạc Bay với giọng ca Khánh Ly. Thời đó còn là băng nhạc cỡ lớn chứ không phải là băng cassette. Trên Youtube hiện nay có một số bài hát trong Kinh Việt Nam như Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói với giọng ca Khánh Ly. Phải chăng là cũng có lúc thâu âm Khánh Ly hát các bài hát này mà ông Hoàng Xuân Sơn không được biết đến?

No comments:

Post a Comment