Monday, July 18, 2011

Chế Độ Miền Nam Trong Mắt Trịnh Công Sơn

Ngày 30-4-1975, Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối Vòng Tay Lớn. Điều này ai cũng biết. Như thế là Trịnh Công Sơn vui mừng vì đã hết chiến tranh, hòa bình đã đến và đất nước được thống nhất. Có lẽ là lúc đó Trịnh Công Sơn không sợ chế động cộng sản sắp đến tại miền Nam như những người lúc đó đang tìm đường bỏ nước ra đi. Thế còn Trịnh Công Sơn nghĩ gì về chế độ miền Nam? Sau 1975, báo Sài Gòn Giải Phóng có bài phỏng vấn Trịnh Công Sơn và trong các câu trả lời, Trịnh Công Sơn nói rằng không bao giờ quên được việc cha ông xe cảnh sát đến bắt đi đến nhà lao Thừa Phủ, Huế, và đó là lý do Trịnh Cộng Sơn không muốn đi lính cho chế độ miền Nam. Trả lời như thế thì cũng không nói được gì nhiều là Trịnh Công Sơn nghĩ gì về chế độ miền Nam. Nhưng đọc trong bài Đi tìm sự thật Thư gửi Ngô Kha của Trịnh Công Sơn, có đăng nguyên văn lá thư Trịnh Công Sơn viết giả như là gửi cho Ngô Kha với mục đích hô hào, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh thì chúng ta có thể thấy chế độ miền Nam trong mắt Trịnh Công Sơn ra sao .
Trịnh Công Sơn

Một chế độ tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí

Theo như trong bức thư viết khi những người cùng tranh đấu với Trịnh Công Sơn xin phép ra một tạp chí thì bị chính quyền từ chối, với lý do là « vì tình thế, vì tình hình ». Do đó Trịnh Công Sơn kết án chế độ miền Nam là thiếu tự do tư tưởng, tự do báo chí. Trích : « Rõ ràng là chúng ta chỉ còn lại một thứ tự do duy nhất: tự do câm miệng trong nhà tù trá hình »

Một chế độ với bọn “Công an mật vụ trí thức”

Trong lá thư Trịnh Công Sơn đề cập đến cái bọn “công an mật vụ trí thức”, không biết là Trịnh Công Sơn muốn nói đến ai mà nói đó là những thành phần nắm ưu thế trong xã hội, những người nắm vận mệnh về giáo dục. Nhưng qua lời kể trong thư thì có những kẻ tố cáo với chính quyền miền Nam về việc làm của Trịnh Công Sơn và những người bạn tranh đấu của Trịnh Công Sơn khiến cho một số phải bỏ trốn, để khỏi bị bắt. 

Mọi người, mọi đoàn thể, tổ chức mong muốn lật đổ chế độ

Đó là một xã hội mà mọi người dân đều ghét chính quyền và mong muốn lật đổ chế độ. Trịnh Công Sơn mô tả qua đoạn văn « Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực như văn hóa, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động v.v... và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an và cảnh sát cũng từng giờ phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì được nữa. » 

Và trong một đoạn khác : «Hôm nay, những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hòa bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó ». 

Dân chúng chỉ lo kiếm ăn, không lo tranh đấu

Sau đó thì Trịnh Công Sơn viết thêm rằng tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục rất là tệ hại nhưng lại có những người dân hài lòng với tình trạng này, chỉ lo kiếm ăn, không lo tranh đấu . «Tất cả mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với số “0” Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dân chúng đều coi như con số “0” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự hủy diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm: (-) cơm áo, (-) trú ẩn, (-) công ăn việc làm. »

Một chế độ quỉ quyệt giả vờ muốn có tự do, dân chủ

Theo Trịnh Công Sơn thì chế độ miền Nam chỉ giả vờ làm ra vẻ muốn có tự do, dân chủ, còn thì về mặt thực tế thì thi hành chính sách độc tài . Trịnh Công Sơn viết : « Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che giấu được ai đâu. ». Như thế là những người trong nhóm Trịnh Công Sơn muốn tranh đấu cho miền Nam có tự do, dân chủ và chính quyền miền Nam cũng tuyên bố là xây dựng chế độ tự do, dân chủ và cho dân tự do. Trịnh Công Sơn gọi thế là sự quỷ quyệt của chính quyền miền Nam.

Một chính quyền độc tài, hiếu chiến, phi dân tộc

Khi lên án chính quyền miền Nam là quỷ quyệt, chỉ giả vờ dễ dãi làm như là muốn có tự do dân chủ thì Trịnh Công Sơn vạch ra rằng thật ra chính quyền miền Nam là một chính quyền độc tài, hiếu chiến và phi dân tộc . Đồng thời Trịnh Công Sơn cũng cho thấy mục đích của việc tranh đấu của mình là để lật đổ chính quyền miền Nam, thay bằng một chính quyền khác qua đoạn văn sau : « Chống tham nhũng, đòi hòa hợp hòa giải dân tộc v.v… chỉ là những cái cớ tiên khởi để từ đó nhân dân tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt độc tài của một chánh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. »

Một chính quyền tham nhũng

Đó là một chính quyền tham nhũng : « Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiền viện trợ Mỹ để chia nhau.

Một chính quyền làm tay sai cho ngoại bang

Đoạn văn trên mô tả những người cầm quyền tại miền Nam nhận tiền của Mỹ để chia nhau . Đó là cách gián tiếp lên án những người cầm quyền tại miền Nam là tay sai của Mỹ, nhận tiền của Mỹ để chia nhau và phục vụ cho người Mỹ.

Nhưng trong bài hát Cho Quê Hương Mỉm Cười, trong tập bài hát Ta Phải Thấy Mặt Trời, viết năm 1969 thì Trịnh Công Sơn gọi thẳng chính quyền miền Nam là tay sai cho ngoại bang :

Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi
Trong tim con người lòng tin làm khí giới
Ta hiên ngang bên thú mặt người
Một bầy thú tay sai cho người ngoài

 Tuy gọi là bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha nhưng thật ra nói là gửi cho Ngô Kha chỉ là cái cớ để tác giả bức thư viết một bài kêu gọi người dân tiếp tục tranh đấu, lật đổ chế độ miền Nam. Nhưng qua đó người đọc có thể nhìn thấy Trịnh Công Sơn nhìn chế độ miền Nam như thế nào.

 Khánh Ly và Trịnh Công Sơn

Người đọc nào tinh ý có thể thấy có sự mâu thuẫn trong bức thư đó. Ở một đoạn thì Trịnh Công Sơn nói là mọi người ở miền Nam đều có ý muốn thay đổi, đều có thái độ chờ đợi sự thay đổi. Nhưng ngay ở dưới đó thì Trịnh Công Sơn lại viết mặc dù tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục rất tệ hại, chỉ là số không, nhưng đa số dân chúng lại xem đó là tình trạng rất khả quan, do đó họ chỉ lo làm việc, kiếm ăn, không lo tranh đấu lật đổ chế độ. Thế thì mọi người đều mong muốn lật đổ chế độ hay đa số chỉ lo kiếm ăn? Đâu là sự thật? Theo tác giả Nguyễn Đắc Xuân viết trong bài thì ông Lê Khắc Cầm nói thì vào lúc đó « phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống ». « Lắng xuống » có nghĩa là mọi người chẳng ai hưởng ứng sự kích động của các cán bộ cộng sản nằm vùng.

Có người có thể nói rằng vì lúc đó chế độ miền Nam kềm kẹp quá chặt chẽ nên người dân có muốn nổi lên cũng không thể làm được. Nhưng ở cuối bài Trịnh Công Sơn lại viết « Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng ». « Thả nổi » có nghĩa là chính quyền để cho dân tự do. Dân được tự do mà vẫn không nổi lên lật đổ chính quyền.

Nên nhớ rằng lúc đó miền Nam có chế độ đa đảng, có nhiều đảng phái đang hoạt động, ai cũng có thể thành lập đảng mới. Việc ứng cử quốc hội không phải qua tổ chức nào của chính quyền sàng lọc. Trong quốc hội lúc đó có những người đối lập với chính quyền cũng được dân bầu vào. Tại Sài Gòn có hàng chục tờ báo mà toàn là báo của tư nhân lúc nào cũng ồn ào chỉ trích, chế riễu chính quyền. Với chế độ cởi mở như vậy mà phong trào đấu tranh vẫn « lắng xuống ». Điều đó có nghĩa là miền Nam có một xã hội khá ổn định, mặc dầu có đa đảng, có báo chí tư.

Cổ động viên đang đi dán bích chương bầu cử năm 1970. Đây là cuộc bầu cử vào Thượng Viện vì bầu cử Thượng Viện thì bầu theo liên danh. Mỗi liên danh là mười người. Còn bầu cử Hạ Viện là bầu theo lối đơn danh, nghĩa là một người có thể đứng ra tranh cử một mình, không phải đứng chung với ai khác. Nội dung của bích chương bên phải có nói chương trình hành động khi đắc cử của liên danh này là đòi "Mỹ cút về nước", đòi "Tổng Thống Thiệu từ chức"

Chế độ miền Nam theo phương pháp ổn định xã hội khác với phương pháp của các nước cộng sản. Tại các nước cộng sản, muốn bảo đảm xã hội ổn định, thì chính quyền phải tước bỏ mọi quyền của người dân, không cho người dân có quyền phát biểu, không được ra báo, không có quyền kết hợp lại thành tổ chức. Còn miền Nam thì theo như cách các nước dân chủ làm để có ổn định là làm sao cho người dân ai nấy được hài lòng. Dân được hài lòng thì cho họ quyền tự do họ cũng không  đi đến chỗ nổi lên lật đổ chính quyền. 

Để có xã hội ổn định, chính quyền phải lo cho dân có đời sống vật chất tương đối dễ chịu ở một mức độ nào đó. Để cho người dân được tự do hoạt động theo khuynh hướng mà mình muốn. Ai muốn kinh doanh làm giàu thì kinh doanh làm giàu. Ai muốn làm thơ, viết nhạc, viết truyện, viết báo thì làm thơ, viết nhạc, viết truyện, viết báo. Ai muốn làm chính trị thì được có cơ hội hoạt động chính trị. 

Trong một xã hội bình thường thì phần lớn đều lo làm ăn, nuôi gia đình và bản thân, nhưng cũng có một số người ham mê chính trị, dấn thân vào chính trị. Không phải cứ hễ để cho dân tự do là tất cả mọi người đều ùa nhau nhảy ra làm chính trị, lật đổ chính quyền để lên nắm quyền. Chỉ có một số người nào đó mới thích làm chính trị, lên cầm quyền mà thôi. Dù một chính quyền lo cho đời sống dân thật no ấm thì cũng vẫn luôn luôn có một số người muốn làm chính trị, quan tâm đến việc luật lệ có công bằng hay không, chính quyền có trong sạch hay không và họ muốn được lên nắm quyền. Dù chính quyền cấm, họ cũng vẫn muốn tham gia làm chính trị.

Chính quyền miền Nam lúc đó đã mở ra con đường để cho những người ham mê chính trị được tự do lên tiếng phê phán trên báo chí, được ứng cử vào quốc hội, được thành lập đảng để ra tranh cử thì nhiều người đi vào con đường đó, còn lại một số ít sẽ vẫn cứ muốn tung tin bịa đặt vu khống chính quyền, muốn dùng bạo lực để lật đổ và chiếm chính quyền. Những cán bộ cộng sản thấy « phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống » là những người trong thiểu số muốn tung tin bịa đặt, muốn dùng bạo lực chiếm chính quyền thấy người dân không ủng hộ đi theo họ nên phong trào của họ bị lắng xuống. 

Các chế độ độc tài thường là hậu quả của tình trạng kinh tế tệ hại. Chế độ độc tài Đức Quốc Xã sinh ra trong hoàn cảnh nước Đức bị thua trận, rất nhiều người bị thất nghiệp, trong khi đó kinh tế thì nghèo vì Đức bị các nước thắng trận bắt phải bồi thường chiến tranh rất nặng làm cho nước Đức bị kiệt quệ. Nhiều thanh niên Đức bị thất nghiệp, thấy tương lai của họ bế tắc nên họ gia nhập đảng Đức Quốc Xã hoặc đảng Cộng Sản, là các đảng chủ trương dùng bạo lực, dù là thuộc về khuynh hướng chính trị khác nhau. Tại Việt Nam, phong trào Cộng Sản được hưởng ứng mạnh tại miền Trung, các tỉnh Thanh hóa, Nghệ An, HàTĩnh vì các tỉnh này nghèo về tài nguyên. Nạn đói năm Ấu Dậu, 1945, chỉ xảy ra tại miền Trung và Bắc nên phong trào Cộng Sản lên mạnh tại miền Trung và miền Bắc. Trong khi đó miền Nam không bị nạn đói Ất Dậu và kinh tế tương đối khá, dân miền Nam không bị nghèo đói cùng cực như ở miền Trung và miền Bắc nên phong trào Cộng Sản tại miền Nam yếu hơn.

Để cho người dân miền Nam đừng vì nghèo đói quá mà đi theo Cộng Sản chính quyền miền Nam cũng lo phát triển kinh tế đồng thời với việc dùng quân đội chống lại sự tấn công của Cộng Sản. Vào đầu thập niên 1970, miền Nam bắt đầu nuôi gà, heo theo lối công nghiệp qui mô lớn. Chính quyền cho nhập cảng gà giống, heo giống, thực phẩm gia súc, đồng thời phát hành sách báo dạy cách chăn nuôi theo lối mới. Nhiều người dân thấy các chăn nuôi theo lối công nghiệp qui mô lớn đem lại nhiều lợi nhuận đã hăng hái lập trại gà, trại heo. Có nhiều người lo kinh doanh làm giàu nên dân không quan tâm đến việc lật đổ chế độ.


 Hội Chợ Thương Mại tại Sài Gòn năm 1970. Ảnh chụp một gian hàng triển lãm máy cày. Một người lái máy cày đang trình bày mọi người thấy máy cày này hoạt động ra sao

Số báo Đứng Dậy đó ra vào dịp Giáng Sinh năm 1974, nghĩa là chỉ 4 tháng trước khi chế độ miền Nam sụp đổ trước sự tấn công bằng xe tăng, đại pháo của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thế mà tình hình vẫn « lắng xuống », mọi người vẫn lo làm ăn như thế nói rằng toàn thể nhân dân miền Nam mong muốn có xã hội chủ nghĩa, mong muốn lật đổ chính quyền miền Nam để cho đảng Cộng Sản Việt Nam lên nắm quyền là không đúng sự thật.

Hơn nữa, lúc đó chính quyền đã dám đem 300 ngàn khấu súng phát cho dân qua Lực Lượng Nhân Dân Vệ để những người trong lực lượng này đem súng về nhà cất mà không sợ họ dùng súng nổi lên chống chính quyền. Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ được thành lập sau năm 1968, tức là sau vụ Tổng Công Kích Tết Mậu Thân. Chính quyền thấy các nhóm đặc công cộng sản đem súng xâm nhập vào các thành phố vào đêm 30 Tết Mậu Thân mà không bị khám phá và ngăn chặn nên đã ra lệnh thành lập lực lượng này để có người canh gác các đường phố, thôn xã vì lực lượng cảnh sát không đủ để canh gác hết. Tất cả thanh niên từ 15 tuổi đến 18 tuổi đều phải gia nhập Nhân Dân Tự Vệ. Cách gia nhập rất dễ. Phường, khóm thấy thấy thanh niên nào đến tuổi 15 thì đến nhà bảo phải gia nhập Nhân Dân Tự Vệ, mỗi tuần cắt phiên gác và phát súng cho đem về nhà giữ để bao giờ đi gác thì đem súng đi theo. Việc phát súng cho dân dễ như vậy mà không xảy ra việc dân dùng súng nổi dậy là vì đa số người dân không có ý lật đổ chính quyền bằng súng đạn.

Những gì xảy ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho thấy chỉ có một số ít người là mừng chiến thắng của phe Cộng sản, trong đó có Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối Vòng Tay Lớn, trong khi đó nhiều người xem đó là một thảm họa. Bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn không được hưởng sự đón tiếp nồng nhiệt và sự kính trọng của người dân như lúc bộ đội Việt Minh tiến vào Hà Nội năm 1954. Nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại là cha ông, là ông Vũ Đình Huỳnh, đã có mặt tại Sài Gòn sau năm 1975 và đưa ra nhận xét rằng Sài Gòn là một thành phố bị chiếm đóng chứ không phải là một thành phố được giải phóng. Đó là vì ông Vũ Đình Huỳnh thấy đa số dân Sài Gòn buồn chứ không mừng vui khi thấy Cộng Sản lên nắm quyền.

Lá thư đó là của Trịnh Công Sơn gửi cho Ngô Kha có thật sự là của Trịnh Công Sơn viết hay là do một cán bộ cộng sản nào viết rồi để tên Trịnh Công Sơn thì nó cũng nói lên cách nhìn của Trịnh Công Sơn về chế độ miền Nam lúc đó vì Trịnh Công Sơn cũng đồng ý và hợp tác với nhóm người đó. Đó là một cái nhìn nhiều sai lạc, mang tính chất cực đoan. Sai lạc vì người viết lá thư đó không nhìn thấy thực tế xã hội miền Nam lúc đó, và cũng không nhìn thấy thực tế xã hội miền Bắc lúc đó. Trong cách nhìn đó tác giả bức thư xem chế độ miền Nam rất tệ hại chỉ là con số không và chế độ miền Bắc là thiên đàng. Vì không nhìn thấy thực tế xã hội cả hai miền nên tác giả đã mong chờ được thống nhất để đi theo con đường của miền Bắc. Rồi thực tế cho thấy miền Nam phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sai lầm của miền Bắc cho đến năm 1986 đảng Cộng Sản Việt Nam mới phải « đổi mới », cho dân được tự do làm ăn như cũ.


 Trịnh Công Sơn với họa sĩ Đinh Cường

1 comment:

  1. con trai giỏi vặn vẹo nhỉ ??? TCS viết thì sao , mà CS viết thì sao ??? thì là các chú cờ vàng cũng thua , thế nhé hô hô

    ReplyDelete