Saturday, February 26, 2011

Số liệu tăng trưởng của Trung Quốc nhiều sai lệch?

 

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng bày tỏ sự nghi ngờ. “Các nguồn tài liệu thì rất hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc thì năng động và phức tạp, vậy mà Tổng cục thống kê của nước này chỉ dành ra 15 ngày để tiến hành điều tra và đưa ra kết luận về GDP của đất nước có 1,3 tỉ dân! ”

 

Số liệu tăng trưởng của Trung Quốc nhiều sai lệch?



Các số liệu về tổng thu nhập quốc nội GDP của Trung Quốc được cả thế giới dõi theo vì khả năng làm chuyển động các thị trường khác của nó hay tạo ra những hy vọng về một sự phục hồi kinh tế sắp diễn ra.

Tuy nhiên những con số mới được công bố gần đây về tăng trưởng GDP trong hai quý đầu năm 2009 của chính quyền các cấp địa phương lại cao hơn rất nhiều lần so với cấp trung ương. Sự lệch pha này đã dấy lên hàng loạt các câu hỏi về độ chính xác của các số liệu được đưa ra ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo số liệu của 31 tỉnh và thành phố tự trị, GDP của Trung Quốc đạt hơn 15.000 tỉ NDT (khoảng hơn 2.000 tỉ USD) trong nửa năm đầu 2009, cao hơn 10% so với con số 13.000 tỉ NDT mà Tổng cục Thống kê quốc gia công bố.

Gần như tất cả các tỉnh đều báo cáo chỉ số tăng trưởng cao hơn mức 7.1% mà Chính phủ đưa ra. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 8%.

Khi cả thế giới đang nhìn vào Trung Quốc để tìm dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế thì sự chênh lệch lớn giữa các số liệu nhắc nhở chúng ta một điều rằng các con số thống kê thường không đáng tin cậy vì chúng bị những quan chức, hoặc vì quyền lợi cá nhân, hoặc vì mục đích chính trị, làm sai lệch.

Số liệu do các địa phương cung cấp trong thời gian gần đây liên tục cho thấy nền kinh tế của nước này tăng mạnh hơn nhiều so với những gì mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố. Tuy nhiên sự sai lệch trong năm nay là lớn hơn cả.

Ngay cả những tờ báo có CQ chủ quản là các cơ quan Nhà nước cũng đã đặt câu hỏi về sự khác biệt này. Thời báo Toàn cầu (The Global Times) do the People’s Daily – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc – kiếm soát, nói rằng dân chúng nước này đang thể hiện thái độ mỉa mai trước những gì mà Tổng cục Thống kê công bố: mức lương trung bình ở thành thị Trung Quốc đã tăng 13% lên con số 2.142 USD trong nửa đầu năm 2009.
Tờ báo này cũng trích dẫn kết quả của một cuộc bình chọn trên mạng cho biết 88% người trả lời nghi ngờ các con số kinh tế được công bố chính thức. Một bài xã luận đăng báo Trung Quốc hàng ngày (China Daily) – cơ quan ngôn luận bằng Tiếng Anh của chính phủ nước này – trích dẫn một khảo sát khác nói rằng có tới 91% những người được hỏi không tin vào số liệu do Bắc Kinh đưa ra. Con số này là 79% năm 2007.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng bày tỏ sự nghi ngờ. “Các nguồn tài liệu thì rất hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc thì năng động và phức tạp, vậy mà Tổng cục thống kê của nước này chỉ dành ra 15 ngày để tiến hành điều tra và đưa ra kết luận về GDP của đất nước có 1,3 tỉ dân! ”, Derek Scissors của Tổ chức Heritage Foundation, nhận xét về khoảng thời gian mà Trung Quốc đưa ra con số thống kê sau khi kết thúc hai quý đầu năm.
Một vài chuyên gia khác lại cho rằng các quan chức địa phương có nhiều động cơ để nói dối. Vì muốn được thăng quan tiến chức lên cấp cao hơn nên họ sẽ nói quá lên mức tăng trưởng của địa phương mình.

Theo một quan chức kinh tế Trung Quốc thì bản thân Tổng cục rất cảnh giác với các con số do địa phương cung cấp và có xu hướng kiểm chứng lại những số liệu ban đầu này và sử dụng mô hình thống kê của họ.

Cũng giống như hầu hết các cơ quan Nhà nước của Trung Quốc, Tổng cục Thống kê hiếm khi đưa ra lời bình luận khi bạn gọi điện tới đây.

Đáp lại các chỉ trích nhắm vào mình, Tổng cục thống kê đã tiến hành một phong trào mang tên: “Tình cảm của người làm nghề thống kê: Chúng ta cùng nhau bước đi trên một con đường – hướng tới kỉ niệm 60 ngày khai sinh ra nước Trung Hoa mới”. Phong trào này diễn ra vào tuần trước, với mục đích củng cố lòng tin của các nhà thống kê.

Phong trào này sản sinh ra các tác phẩm như bài thơ: “Tôi tự hào đóng góp một viên gạch để xây dựng tòa nhà thống kê cho nền dân chủ này ”. Trong một bài thơ khác, một người đã viết “Tôi có thể sắp xếp lại các vì sao vì tôi biết thống kê”.

Ngọc Diệp (Theo FT.com)

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7715/index.aspx

No comments:

Post a Comment