Thursday, February 3, 2011

Khối cộng sản dưới cái nhìn của một nhà văn miền Nam

 Ảnh: Một người dân Tiệp Khắc đứng nhìn xe tăng Liên Xô tiến vào thủ đô Praha, 1968

"Người Việt Nam ta, nếu chẳng may bị ép vào cảnh tuân phục nọ, chắc chắn trước sau rồi cũng đến cái lúc chúng ta phải phản ứng như dân Nga dân Tiệp."




Khối cộng sản dưới cái nhìn của một nhà văn miền Nam

Trần Thái Hùng

http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Politics/CSDuoiCaiNhinCuaNguoiQuocGia.html

 Ảnh: Dân Bulgary ném cốc tai Molotov vào xe tăng Liên Xô, Budapest, 1956


Từ khi chủ nghĩa Cộng sản du nhập vào Việt Nam thì dân tộc Việt bị chia đôi, một phía đứng về với khối cộng sản quốc tế và số còn lại không chấp nhận sự liên kết với giai cấp vô sản quốc tế, mà chỉ chủ trương tranh đấu cho sự độc lập của quốc gia thì được gọi (hay bị gọi) là những người quốc gia.

Những người cộng sản chê bai những người quốc gia là theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đó cũng đủ là lý do để Việt Minh giết những đảng phái quốc gia. Đồng thời người cộng sản cũng tự nhận là yêu nước dường như họ quên mất mục đích của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ ranh giới quốc gia trên thế giới.

Tại sao những người tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời tranh đấu cho cái lý tưởng xóa bỏ ranh giới quốc gia trên thế giới lại cùng lúc là những người tranh đấu để bảo vệ ranh giới của quốc gia ?

Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây của Võ Phiến viết trên báo chí Sài gòn vào tháng 7-1968, nói lên cái trò chơi "lúc có, lúc không" của người cộng sản đối với tinh thần ái quốc hay tinh thần quốc gia. Đồng thời các bạn cũng thấy được cái nhìn của người quốc gia lúc đó đối với khối cộng sản. Những đoạn do Võ Phiến viết sẽ được đặt trong ngoặc kép.

 Nhà văn Võ Phiến

"Từ khi trên mặt đất có hơn một nước cộng sản thì bên phía cộng sản nảy ra một cái xấu xa gọi là tinh thần quốc gia. Tùy trường hợp, tùy cương vị của kẻ phát biểu, cái đó hoặc cho là tinh thần quốc gia hẹp hòi, hoặc là tinh thần quốc gia suông. Đối với các lãnh tụ Nga xô, việc Trung cộng từ chối quyền lãnh đạo của mình là do tinh thần quốc gia hẹp hòi. Đối với các người khởi xướng cuộc vùng dậy của Hung Gia Lợi (Hungaria) năm 1956 thì tinh thần quốc gia của dân Hung không hẹp hòi. Dù hẹp dù không hẹp, tinh thần quốc gia là một yếu tố xấu, trái với chủ nghĩa cộng sản. Nó đáng kết tội và đang bị kết tội."

(Người viết chú thích: năm 1956, dân Hungaria nổi lên đòi bãi bỏ chế độ cộng sản, Liên xô đem quân đội và xe tăng qua đàn áp cuộc phản kháng để duy trì chế độ cộng sản thân Liên xô)

Dân Hungary xuống đường tại thủ đô Budapest

Xe tăng Liên Xô kéo vào Budapest đàn áp người dân Hungary

"Các nước anh em tố giác nhau."

"Năm 1956, ký giả K.S. Karol qua thăm Trung Hoa ông gặp người Tàu, người Tàu phẫn nộ công kích "tinh thần quốc gia hẹp hòi của xô viết" (chauvinisme sovietique): Ai đời họ chỉ biết có quyền lợi quốc gia, trong chính sách đối ngoại họ nhằm làm sao được việc cho an ninh và thịnh vượng của Nga xô, còn phong trào thợ thuyền quốc tế thiệt thòi mặc kệ. Họ hy sinh phong trào cách mạng cho an ninh của Nga xô. Cần yên lành để tọa hưởng, tránh cuộc đụng độ nguy hiểm với đế quốc Mỹ, thế là họ thỏa thuận tay đôi với Mỹ, để cho Mỹ thẳng tay đàn áp cách mạng ở cách nước nhược tiểu Á Phi. Sự giúp đỡ của họ đối với Trung Hoa? Trời, xin đừng nhắc tới cái lòng tốt xô viết quí hóa ấy nữa. Đến khi không còn điều khiển được Trung Hoa theo ý họ, họ nhẫn tâm xô chúng tôi xuống vực sâu không tiếc thương: việc rút 1720 chuyên viên Nga xô năm 1960 gây sự thiệt hại cho nền kỹ nghệ Trung hoa lớn hơn một cuộc tấn công quân sự. Đó là một đòn nhằm gây sự sụp đổ của chế độ chúng tôi..."

"K.S. Karol lại gặp các nhân vật Nga xô tại sứ quán ở Bắc Kinh, người Nga phân trần, tâm sự: Cái lão Mao Trạch Đông ấy là một người Tàu quốc gia, ai mà không biết. Từ hồi nào tới giờ lão vẫn có đầu óc quốc gia, từ trước thời kỳ Diên An, trước ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa kia. Lão chỉ nhằm khôi phục lại nước Trung Hoa huy hoàng, cái nước cổ kính bốn nghìn năm văn hiến của lão mà thôi. Lúc đầu lão vờ vĩnh che đậy bộ mặt thật để xin xỏ viện trợ Nga xô, sau này lão đã vứt cái mặt nạ cộng sản, để lộ nguyên hình quốc gia ra rồi. Theo lão thì bọn Nga chúng tôi, bọn Âu châu chúng mình đều là dã man cả, thấp kém cả, so với dân tộc lão có nền văn hóa lâu đời..."

"Khrushev, Kossygin thù ghét cái đầu óc quốc gia của Mao Trạch Đông thế nào thì hẳn Staline cũng thù ghét đầu óc quốc gia của Tito thế ấy, nếu không thù ghét dữ dằn hơn. Ngược lại, Tito oán trách Staline về phương diện này hẳn cũng không khác Mao đối với Khrushev, Kossygin..."

Vào thời điểm đó, 1968, trong khi người dân miền Bắc một lòng tin tưởng ở sự tốt đẹp của tình anh em vô sản, thì những người quốc gia đã thấy khối cộng sản không phải là anh em vô sản gì cả mà cũng là quan hệ thống trị và bị trị. Tito của Nam tư không chịu nằm trong quĩ đạo của Liên xô, Mao Trạch Đông chống lại sự thống trị của Nga, Albany dựa vào Trung Quốc để chống lại Liên Xô.

Võ Phiến viết tiếp:

"Lãnh tụ nọ kế tiếp lãnh tụ kia trong khối cộng, tình trạng chưa có vẻ gì biến đổi. Hồi tháng 10-1962, lúc một nhà báo gọi điện thoại báo cho Castro biết tin Khrushev đã quyết định rút lui các hỏa tiễn ở Cuba, Castro không tin: quyết định một việc có tầm quan trọng như thế liên hệ đến vận mạng Cuba, tại sao ông thủ tướng Cuba không được hỏi tới một lời ? Nhà báo xác nhận lại bằng cách đọc nguyên văn bức điện. Castro gầm lên một tiếng, tống một đạp vào bức tường trước mặt, làm cho một tấm kính đổ xuống vỡ tan."

"Hồi đầu năm nay (1968), lãnh tụ Lỗ (Roumania) gặp Kossygin tại Sofia: hỏi cà khịa: "Hiệp ước Varsovie có ý nghĩa ra sao nhỉ ?" Đó là liên minh giữa những người bình quyền hay đó là câu chuyện một ông đại thống chế chỉ huy mấy ông đại tá con con ?"

"Ở Ba Lan, ở Lỗ, ở Albanie, ở Tiệp Khắc... ở đâu trong các xứ cộng sản ngày nay người ta không bắt gặp những thắc mắc tương tự ?"

"Giữa các xứ cộng sản đang có phong trào chụp lên đầu nhau cái mũ quốc gia."

"Trên lý thuyết, cộng sản chỉ kêu gọi sự liên kết vì quyền lợi giai cấp chứ không hề khuyến khích những tình cảm lưu luyến đối với nước nhà. Nhưng thực tê, trong khi hành động, để đạt mục phiêu của mình, cộng sản không quên lợi dụng tinh thần quốc gia của quần chúng. Dân Nam Tư, dân Tiệp, Hung v.v... trong thế chiến thứ hai không chiến đấu để đòi một chế độ cộng sản, mà vì chủ quyền quốc gia. Cách mạng thành công ở Trung Hoa, ở Cuba, ở Bắc Việt v.v... đều không do thợ thuyền chống tư bản, mà do dân tộc chống ngoại thuộc. Từ trước đến nay đã vậy, mà từ đây về sau chủ trương của Trung cộng nhằm xúc tiến cách mạng ở các nước chậm tiến ba lục địa Á, Phi, Nam Mỹ, cũng dựa vào tinh thần quốc gia của các dân tộc hơn tinh thần giai cấp. Thậm chí, ngay ở Nga, sau ngót ba mươi năm sống dưới chế độ xô viết, lúc gặp biến nguy, người ta cũng không hy vọng mấy ở tình giai cấp. Năm 1941, để kháng cự với Đức, Staline đã phải kêu gọi đến tình yêu tổ quốc, và ngày khải hoàn, tháng 5-1945 Staline nâng cốc mừng vinh quang của dân tộc Nga. Lại như ở miền nam Việt Nam hiện nay (1968), cộng sản cũng chỉ yêu cầu dân chúng chống đế quốc Mỹ: nếu vạn nhất Hồ Chí Minh có thành công luôn ở miền Nam, thì lần này nữa cũng không phải vì dân chúng thích chế độ cộng sản."

Nếu động cơ thúc đẩy các hoạt động trong khối cộng sản không phải là do tình thần vô sản mà là do tinh thần quốc gia thì cái tình anh em quốc tế vô sản không hề có. Đã không có cái tình anh em quốc vô sản thì sự việc cộng sản Việt Nam dựa vào Liên xô và Trung Quốc chỉ là dựa vào thế lực ngoại bang để mưu đồ cho mục tiêu của đảng. Các nước vô sản cư xử với nhau không trên căn bản anh em quốc tế vô sản mà chỉ trên lợi ích quốc gia thì có khác gì sự cư xử giữa các nước tư bản với các nước kém phát triển mà trong đó kẻ kém vế, đi nhờ cậy người khác thì sẽ bị ràng buộc, bắt chẹt. Còn đâu là độc lập tự chủ. Nhưng đó là điều các đảng cộng sản che dấu người dân nước họ vào thời điểm đó.

Mời các bạn theo dõi tiếp bài viết của Võ Phiến:

"Như vậy, trong một hoàn cảnh nào đó, cộng sản không hề chê bai tinh thần quốc gia. Trái lại chẳng những không hề chê bai người cộng sản còn không ngần ngại xưng mình làm quốc gia. Ở Việt nam lúc này giả sử có kẻ chứng minh rằng người cộng sản - đặc biệt là Hồ Chí Minh - chính là người quốc gia, kẻ ấy nhất định không làm mếch lòng họ Hồ đâu nhé."

"Khen một người cộng sản bằng cách gọi họ là quốc gia! Việc làm tuy tréo cẳng ngỗng mà đắc lực vô kể. Vì nếu lập luận ấy được quần chúng Việt nam tin tưởng, ai cũng thấy Hồ Chí Minh được lợi ích ra sao."

"Có lúc cộng sản đâu có kiêng kỵ quốc gia."

"Thế mà vào một giai đoạn khác họ lại xem danh nghĩa quốc gia là một xỉ nhục để văng vào mặt nhau. Câu chuyện làm ta nghĩ đến cái lưỡi heo trong chuyện ngụ ngôn: cũng là nó, lúc tốt lúc xấu."

"Có gì đâu: tinh thần quốc gia chống lại áp bức từ bên ngoài đến, lúc sự áp bức ấy do tư bản thì cộng sản cổ võ tinh thần quốc gia, lúc sự áp bức ấy do chính cộng sản thì cộng sản phỉ báng tinh thần quốc gia. Thế thôi. Để ý mà nghe, nơi nào có cộng sản léo nhéo kêu gọi tinh thần dân tộc, quốc gia v.v... nơi ấy họ đang giành dật ảnh hưởng với đế quốc; nơi nào có tiếng cộng sản lao xao kết tội tinh thần quốc gia, nơi ấy các nước anh em đang thống trị nhau, không sai."

"Thống trị nhau theo kiểu anh em là kiểu thống trị ra sao nhỉ. Theo Khrushev thì cầm đầu đàn em là làm một việc nhọc nhằn không công, chẳng được cái giải gì. Khrushev tính khí sỗ sàng, nghe trong đám huynh đệ có dư luận bất mãn, tại bữa tiệc thết đãi phái đoàn các nước xã hội chủ nghĩa hôm 4-2-1960, ông ta nói toạc ra: "Cái địa vị "đầu não" ấy đem lại cho chúng tôi được lợi lộc vật chất gì nào ? Không sữa, không bơ, không khoai tây, không rau, nhà ở cũng không. Còn lợi lộc tinh thần được gì nào ? Tuyệt không." Kể ra, trong diễn văn của các quan toàn quyền tại những thuộc địa Anh Pháp trước đây cũng không thấy có thấp thoáng bóng dáng lợi lộc gì: bơ sữa đều không, chỉ có nhiệm vụ khai hóa thôi."

"Nhưng bên ngoài các bài diễn văn tuồng như kiểu cai trị nào cũng không thiếu lợi lộc. Trước, để được gia nhập Quốc tế cộng sản, các cộng đảng phải bằng lòng theo 21 điều kiện, trong đó có một điều buộc phải tuân hành các nghị quyết của Trung ương, và Trung ương có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của mỗi đảng địa phương. Komintern tự trao cho mình cái quyền chọn lãnh tụ cho đảng bộ các nước. Từ 1962 về sau, Đệ tam quốc tế giải tán, nhưng sự chỉ đạo quốc tế của nước anh đối với các nước em vẫn còn. Cuộc chiến tranh ở Triều tiên, cho đến bây giờ người ta chỉ phân vân không biết kẻ chủ xướng đích thực là Nga xô hay Trung cộng, không ai nghĩ rằng chủ xướng cái biến cố giết hàng triệu người Triều tiên trên đất nước Triều tiên ấy lại chính là Triều tiên cả. Còn như ở Hung gia lợi (Hungaria), Nga xô muốn Kadar cầm quyền thì được cầm quyền, Nga xô muốn Imre Nagy bị lật đổ thì Nagy bị lật đổ, muốn Nagy bị lưu đày thì Nagy bị lưu đày. Không những thế, nhiều lãnh tụ các nước xã hội Đông Âu còn bị treo cổ, bị bắn gục v.v... theo ý muốn Nga xô. Nguyên thủ nước người, mình muốn định đoạt thế nào được thế ấy; quyền uy ấy không gọi được là lợi lộc tinh thần sao ?"
Quan hệ của Liên xô và các nước trong khối cộng sản cũng chỉ là mối quan hệ mẫu quốc và thuộc địa được sơn phết lên lớp sơn vô sản để che mắt thế gian mà thôi. 

Võ Phiến nói tiếp về thực tế trong quan hệ các nước cộng sản:

"Còn máy móc tháo gỡ ở các cơ xưởng Hung gia lợi, Mãn Châu, các mỏ than lớn nhất, 40% quặng sắt tại đây, còn một phần tư dân số Lithuanie bị tóm đem về phục vụ trong các hầm mỏ Nga xô, hơn một triệu dân Ba lan làm lao công ở Tây bá lợi á (Siberia) v.v... những cái đó không gọi được là lợi lộc vật chất hay sao ?"

"Vả lại cần gì dòm ngó, đi sâu vào nội bộ các nước anh em ? Chỉ xem cái cảnh tượng họ xỉa vào trán nhau mà nhiếc: "Đồng chí quả tang có đầu óc quốc gia, xấu lắm nhé." cũng thấy rõ sự tình. Gạt bỏ hết những rắc rối tròng tréo trong lý luận quốc gia quốc tế, chúng ta có thể diễn nôm như sau các lời tố cáo: Tùy theo địa vị kẻ tố cáo là ở nước đàn anh hay ở nước đàn em, việc gán cho đối phương danh nghĩa quốc gia có nghĩa hoặc là một tiếng kêu cứu: "Ối! Nó đè đầu tôi!", hoặc một lời quở phạt: "Bướng thật! Nó không cho tôi đè đầu."

"Thực chất của tương quan huynh đệ là vậy. Thoát ra khỏi tương quan ấy đâu phải dễ dàng. Một phần tư thế kỷ rồi, đổ máu nhiều phen rồi, mà Ba Lan, Tiệp, Lỗ v.v... đâu đã thoát đươ.c. Những gì đang diễn ra giữa Nga và Tiệp khiến ta nghĩ đến câu ca dao Việt Nam:"

"Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta,
Cái xương bậu nát cái da bậu mòn."

"Nước ta dân ta lận đận đã nhiều, xương chẳng còn ra xương da chẳng còn ra da, nếu chẳng may lại lao vào đấy rồi lại vùng ra cho khỏi đấy thì còn gì. Viễn tượng gì sầu thảm vậy."

Cái viễn tượng sầu thảm mà Võ Phiến nói vào năm 1968 thì sau 1975 người dân hai miền đã phải trải qua khi Việt Nam bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh không ngừng và bị lệ thuộc một các nặng nề vào Liên xô. Lúc đó người dân đã truyền miệng nhau câu: "Lúc trẻ liều thân cứu nước, về già bán nước nuôi thân" để chê bai các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt nam bị lệ thuộc vào Liên xô không khác gì những tên tay sai vậy. Lúc đó nếu ai nhớ lại những gì Võ Phiến đã viết chắc phải phục cho tài tiên tri của ông. Không. Ông phải là nhà tiên tri, ông chỉ quan sát những gì đã và đang xảy ra trong khối cộng sản lúc đó mà thôi. Năm 1968, lúc Võ Phiến viết bài này cũng là lúc dân Tiệp Khắc nổi lên đòi bãi bỏ chế độ cộng sản Tiệp và bị Liên xô đem quân đội qua đàn áp.

Phần trên là tác giả nói về sự mất chủ quyền của các nước cộng sản đối với Liên xô. Phần sau đây tác giả đề cập đến tình trạng mất tự do trong các xứ cộng sản:

"Mà dù cho vùng ra khỏi vòng kiềm tỏa huynh đệ nọ thì cũng chỉ có quốc gia được tự do. Còn cá nhân, các cá nhân trong cái quốc gia ấy vẫn tiếp tục khốn đốn."

"Trong xã hội cộng sản, kẻ trị người lớn lao vĩ đại quá, còn người bị trị nhỏ bé hèn mọn quá, cơ hồ vô nghĩa lý. Tất cả chân lý chui trốn vào đầu óc một người, cố thủ trong đấy; không ai được phép suy nghĩ tìm tòi chân lý ở đâu khác. Người người sống khóm róm, thảm hại, lố bịch."

"Cách đây mười năm (1958), vào một mùa thu, một hôm Mao Trạch Đông thăm viếng thung lũng sông Dương tử. Tại Vũ xương, các giáo sư đại học lần lượt xếp hàng nghênh đón. Mao chủ tịch lướt ngang qua, vẫy chào một cái. Giáo sự họ Hồ, một nhà sinh vật học, đêm đó trằn trọc thâu canh, suy tư khắc khoải, không sao ngủ được, trăn qua trở lại, rốt cuộc ông viết ra một thiên văn chương đăng tải trên Quang Minh Nhật Báo. Đề tài băn khoăn của Hồ giáo sư là: "Tôi đã làm gì để xứng đáng được Mao chủ tịch vẫy tay về hướng tôi ?" Giáo sư mải miết từ trầm tư này đến trầm tư khác. Có phải vì ông vốn thuộc dòng dõi tư sản mà đã cố gắng tiến bộ, chống lại Quốc Dân Đảng chăng ? Hẳn là như thế chưa đủ, chưa xứng đáng. Có phải vì ông vốn thuộc thành phần bóc lột mà đã bỏ tư tưởng cũ chăng ? Hẳn là như thế chưa đủ, chưa xứng đáng. Phải suy cứu sâu xa hơn nữa. Có phải vì... Có phải vì... Sau cùng giáo sư họ Hồ đi tới lý do duy nhất khả dĩ chấp nhận lòng tin cậy và phục tùng của toàn thể giáo sự đại học Vũ xương đối với Mao chủ tịch đã khiến mọi người xứng đáng hưởng một cái vẫy tay. "Chúng tôi đã là sâu, chúng tôi đang thành bướm. Chúng tôi chưa lấy gì làm đẹp đẽ lắm, nhưng chúng tôi bắt đầu mọc cánh... Có lẽ đó là lý do"..."

"Một cái vẫy tay quan trọng đến thế. Nếu cô vợ bé thứ tư của Mao chủ tịch cũng phong phú như giáo sư họ Hồ, ta có thể tưởng tượng cô ta đi xa biết mấy trong địa hạt tư tưởng: Tại sao tôi được chọn ? Tại sao sớm hôm kia tôi được ân sủng này, tối hôm nọ tôi được ân sủng khác ? Có phải vì tôi đã là con sâu rọm... Có phải vì tôi đang mọc lông mọc cánh ? v.v..."

"Cả dân tộc bị đè bẹp dưới một con người, trí phán đoán của triệu triệu dân chúng tê liệt vì tư tưởng của một người: thế chưa đủ. Các lãnh tụ cộng sản không bằng lòng khuất phục một dân tộc, họ nghĩ đến cả nhân loại. Cuối năm 1957, Mao Trạch Đông có dịp đọc một diễn văn tại viện đại học Mạc tư khoa. Hôm sau, tờ Nhân Dân Nhật Báo tường thuật, trong bài có đoạn: "Trong khi Người đang nói, một vài hạt bụi từ tay áo rơi xuống, thế là từ đây cái diễn đàn này của viện đại học Mạc tư khoa sẽ trở nên thân thiết đối với toàn thể nhân loại."

Ngày hôm nay chúng ta có thể nhìn lại thấy những luận điệu của đảng cộng sản làm cho trí thức và toàn dân phải mê muội tuân theo ý muốn của lãnh tụ và của đảng một cách tuyệt đối. Kết quả là sự sai lầm của lãnh tụ, mà không một ai dám phản đối, đã đưa các dân tộc sống dưới chế độ cộng sản vào con đường nghèo đói và lạc hậu.

Mời các bạn theo dõi tiếp Võ Phiến:

"Ngày ấy (1957) chưa có Đại cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông chưa thiêng liêng như bây giờ ".(1968)

"Xung quanh những nhân vật như thế, tất cả đều vô nghĩa. Những người gọi là nhà văn hóa phải chăm lo học tập kỹ tư tưởng của lãnh tụ, và mỗi chốc mỗi đối chiếu ý nghĩ của mình với tư tưởng lãnh tụ, trong dạ lúc nào cũng ngay ngáy sợ rủi ro sai lệch. Nghe những Chu Dương, Quách Mạt Nhược... tưởng chừng rời Mao chủ tịch ra họ hết suy nghĩ nổi."

"Hồi tháng 3-1960, trên một tờ báo ở La Havanne, Cabrera Infante hỏi vì sao gần đây tiểu thuyết lại sa sút ở Nga là một xứ vốn có truyền thống văn chương rực rỡ, Jean Paul Sartre bảo phản đối vẫn dễ hơn là phục tùng, các nhà văn Mỹ phản đối xã hội, phản đối truyền thống, nên họ viết hay. "Mặt khác, tôi nghĩ rằng các nhà văn xô viết quen vâng lời quá lâu." Rồi ông tiếp: "Mà giả sử tôi là một nhà văn xô viết, thiết tưởng tôi sẽ chọn vâng lời."

“Như thế Jean Paul Sartre xác nhận vài điều: là ở xứ cộng sản các nhà văn phải vâng lời, là hễ nhà văn mà vâng lời thì viết lách phải sa sút.”

"Ở cái xã hội mà nghệ sĩ, triết gia v.v... răm rắp vâng lời, thì công chức, cán bộ, quân nhân, thì bàng dân thiên hạ còn ai không vâng lời nữa, thì cuộc sống tinh thần mới buồn thảm làm sao. Cho nên sự chọn lựa của Satre thật ngộ. Thế nhân thường tình hẳn không ai dám nhờ Sartre giúp đỡ trong sự chọn lựa ấy. Và chính ngay vào những năm 1960, một thế hệ nhà văn xô viết mới đã bắt đầu một sự chọn lựa trái ngược với Sartre. Hiện thời (1968), tình hình ở Đông Âu đang sôi động cũng chính vì những người có thái độ chọn lựa trái ngược với Sartre, tại Tiệp khắc."

(Chú thích của người viết: Jean Paul Sartre là triết gia Pháp thiên tả, có những tư tưởng bênh vực khối cộng sản. Sau 1989, ông chứng kiến sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu. Thực tế không như ông nghĩ. Đánh dấu sự thay đổi tư duy tại Nga thời gian năm 1960 là tác phẩm được giải Nobel, Doctor Zivago của Boris Pasternak).

Cách Mạng Văn Hóa: Mao Trạch Đông (đứng giữa) và Lâm Bưu (bên tay trái Mao) đứng trên xe duyệt qua hàng ngũ đông đảo Vệ Binh Đỏ tại quảng trường Thiên An Môn, năm 1966.
Cách Mạng Văn Hóa: Vệ Binh Đỏ diễn hành với tượng Mao Trạch Đông và cờ xí rợp trời tại quảng trường Thiên An Môn ngày 12 tháng 10 năm 1966

Võ Phiến viết tiếp:

"Người Việt Nam ta, nếu chẳng may bị ép vào cảnh tuân phục nọ, chắc chắn trước sau rồi cũng đến cái lúc chúng ta phải phản ứng như dân Nga dân Tiệp. Phàm làm người, ai lại cam tâm để cho bóng dáng của một lãnh tụ nào đó che khuất cả mặt trời mặt trăng, cả càn khôn vũ trụ, che khuất mãi mãi; một đầu óc nhỏ bé cũng muốn tự nó phát ra ý nghĩ riêng của nó. Xem cuốn phim tuyên truyền hạ cấp bực mình mà không được chửi đổng một tiếng, trông thấy kẻ cầm quyền có lúc sai lầm ngu xuẩn mà không đươc chê một phát, biết rõ hôn gái đẹp khoái hơn hôn gái vững lập trường mà không dám tiết lộ v.v... như thế "chẳng cũng khổ sao"? Về tinh thần người mất tự do cũng như về thể chất người ấy bị hoạn. Tức chết được. Trong cuốn Candide của Voltaire có anh chàng xấu số mỗi lần gặp gái đẹp thì kêu trời: "O che seiagura d'essere senza coglioni...!" (Thật tai hại vì không còn có...)"

"Một thể chất "không còn có..." thì tịt, hết truyền sinh; một tinh thần "không còn có..." cũng tịt, không phát sinh nẩy nở gì, chỉ lụn bại sa sút; con người "không còn có..." đau không tả."

"Thoát cho được nỗi ấy nữa, cái xương lại nát cái da lại mòn thêm."

Ngày nay đọc lại đoạn Võ Phiến viết:

"Người Việt Nam ta, nếu chẳng may bị ép vào cảnh tuân phục nọ, chắc chắn trước sau rồi cũng đến cái lúc chúng ta phải phản ứng như dân Nga dân Tiê.p."

thì người đọc chắc phải nhận rằng cả nước đã bị "ép vào cảnh tuân phục nọ" và sự phản kháng của những người dân trong nước hiện nay, kể cả các đảng viên, đòi dân chủ và tự do quả đúng là những "phản ứng như dân Nga dân Tiệp" vào thời điểm Võ Phiến viết bài này. Mà không phải chỉ ở Việt Nam người dân mới đòi dân chủ tự do, ở Trung Quốc ngày nay cũng vậy.

Sự đau khổ vì mất tự do không phải chỉ riêng cho một dân tộc nào như Võ Phiến viết như sau:

"Hai cuộc giải phóng gian nan thực ra đâu phải là chuyện riêng ở xứ nào: hình như đó là chuyện chung của mọi nước trong khối cộng sản. Chủ quyền và Dân chủ, họ đang loay hoay về hai cái ấy. Cái thứ nhất, Trung cộng từng chủ xướng; cái thứ nhì, Nga xô từng chủ xướng. Cái nào cũng gây những hậu quả to tát làm rung chuyển cả thế giới của họ ..."

"Vụ Nam tư hồi 1948, vụ Hung gia lợi 1956, vụ Trung cộng 1960... thuộc về vấn đề chủ quyền quốc gia. Việc hạ bệ Staline ở Nga từ đại hội cộng đảng lần thứ 20 tới nay thuộc vấn đề dân chủ hóa. Vụ Tiệp khắc đang diễn ra hiện thời (1968) dường như bao gồm cả hai ý nghĩa."

(Chú thích của người viết: Nam tư tách ra khỏi quĩ đạo của Liên xô năm 1948, Hung chống lại sự chi phối của Liên xô 1956, Trung cộng tách ra khỏi quĩ đạo Liên xô vào thời gian 1960, Tiệp khắc chống lại sự thống trị của Liên Xô 1968, Khrushev hạ bệ Staline để tranh thủ sự tin tưởng vào đảng của dân Nga rồi tiếp tục chế độ chuyên chính vô sản, Trung cộng chỉ trích Liên xô xét lại là chiến thuật làm giảm uy tín lãnh đạo của Liên xô trong khối cộng sản vì Trung cộng muốn giành địa vị lãnh đạo khối cộng sản của Liên xô.)

Võ Phiến viết tiếp:

"Thực trạng ấy đã nêu ra hai nhu cầu phải được giải quyết, khối cộng sản chưa thỏa thuận để tìm ra cách giải quyết. Dân chủ hóa, Nga xướng Tàu phản đối. Chủ quyền quốc gia, Tàu xướng Nga phản đối. Đã thế Nga lại chỉ hé mở dân chủ ở Nga mà không tha thứ ở Tiệp; Tàu lại chỉ đòi chủ quyền của Tàu mà dễ gì thừa nhận chủ quyền của Bắc việt, Bắc Hàn ? Giải pháp, rồi chỉ có thể tìm ra trong xô xát ?"


 Mùa Xuân Praha, 1968, thanh niên Tiệp ném bom xăng vào xe tăng Liên Xô


Mùa Xuân Praha, 1968, xe tăng Liên Xô tiến vào thủ đô Praha, đàn áp phong trào dân chủ của dân Tiệp

Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi năm 1979 là sự xô xát mà Võ Phiến dự đoán. 

Tuy nhiên tác giả không chỉ nói đến sự mất chủ quyền và dân chủ trong khối cộng sản mà tác giả cộng nhận tại miền Nam người dân cũng phải tranh đấu cho chủ quyền và tự do dân chủ trong phần tiếp theo sau:

"- Chủ quyền và Dân chủ đâu phải là chuyện bên khối cộng sản ? Từ sau thế chiến thứ hai đến nay nhiều nước như nước ta có làm gì khác hơn là hết chống áp bức của ngoại quốc lại chống áp bức của nhà nước độc tài ?"

Qua đó chúng ta có thể thấy tại miền Nam, các nhà văn nhà báo có thể đề cập một cách công khai đến sự mất chủ quyền và mất tự do của miền Nam cũng như của đất nước mà không bị coi đó là tội ác, chống lại chính quyền. Nếu nhà văn, nhà báo miền Bắc thời đó, 1968, và ngày nay cũng còn vậy, viết như vậy chắc chắn sẽ bị gán đủ thứ tội phản động, gián điệp, tay sai cho đế quốc và đi tù. Để cho nhà báo nói sự thật người dân miền Nam nhờ đó biết là với một nước nhỏ, lạc hậu chúng ta không tránh khỏi ít nhiều bị chi phối bởi các cường quốc. Nếu dân miền Nam biết rằng chúng ta chưa đủ sức thì ít ra họ được biết tình trạng thật sự như là nó đang xảy ra khác với người dân miền Bắc lúc đó một lòng tin tưởng ở những sự đẹp đẽ dối trá do chính quyền vẽ ra và họ bị bưng bít hoàn toàn với thế giới bên ngoài để đến một ngày nào đó thì vỡ mộng.

Võ Phiến kết luận bài của ông với đoạn:

"- Riêng chúng ta, sau khi mỏi mòn kiệt quệ vì những chống đối ở bên này, nếu vạn nhất rơi trở về phía bên kia lại phải đi trở lại đủ "hai chặng đường thương khó" lần nữa."

Võ Phiến, 7-1968

Cái ngày "rơi trở về phía bên kia" đã xảy ra rồi. Đó là ngày 30-4-1975. Người dân miền Nam cũng đã chứng kiến những người dân miền Bắc trong và ngoài đảng đau khổ, phẫn nộ vì sự lệ thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam vào Liên Xô. Phẫn nộ thì phẫn nộ, với sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ chuyên chính vô sản, họ không thể làm gì được để đất nước thoát ra cái ách của Liên xô. May thay, khối cộng sản Đông Âu và Liên xô tan vỡ vào năm 1989, đảng Cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa là Liên xô nhưng dân tộc Việt may mắn vượt qua được "chặng đường thương khó" thứ nhất và hiện nay đang vật lộn với "chặng đường thương khó" thứ hai, đó là tranh đấu cho tự do và dân chủ.

Quái nhỉ ? Võ Phiến có phải là học trò của Quỉ Cốc Tử Tiên sinh mà tiên đoán đúng thể nhỉ? 

Không. Ông chỉ quan sát thực tế và suy luận mà thôi.

Không hẹn mà gặp, tại hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có những người đứng lên đòi hỏi tự do, dân chủ. Nếu nói việc đòi hỏi tự do dân chủ là hoạt động của bọn người Việt hải ngoại thua trận muốn phục thù như đảng Cộng sản hiện nay đang nói thì làm sao giải thích được sự kiện có những người từ trước đến nay hoàn toàn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thậm chí có người lại còn theo đảng gần hết cuộc đời cũng đòi hỏi dân chủ tự do? Họ có thua trận bao giờ đâu mà phải phục thù ! Câu trả lời là: vì dân chủ tự do là điều kiện cần để phát triển đất nước cũng như đem lại hạnh phúc cho người dân cho nên nó được theo đuổi bởi mọi người bất chấp phe phái, xuất thân. 

1998, Trần Thái Hùng

No comments:

Post a Comment